1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nữ nhân viên "méo mặt" khi gọi sếp lớn tuổi là.... bác

Hoài Nam

(Dân trí) - Lần đầu gặp mặt ở công ty, biết sếp lớn hơn tuổi của bố mình, Hằng liền chào bác. Nhưng ngay sau đó, cô cười như mếu khi sếp đáp lại: "Tất cả mọi người ở đây đều gọi tôi là anh".

Tình huống dở khóc dở cười 

Xưng hô thế nào, "anh", "chú", "bác" hay "chị", "cô" với sếp lớn tuổi, việc ít ai để ý lại là tình huống dở khóc dở cười nhiều bạn trẻ mới đi làm gặp phải. 

Bạn Thúy Hằng, 21 tuổi, tốt nghiệp cao đẳng ngành kinh tế nhận việc tại một hệ thống bán lẻ có tiếng ở TPHCM. Sau vài ngày đi làm, cô chính thức diện kiến vị sếp trên 60 tuổi, lớn hơn bố cô cả chục tuổi. Chưa kể, sếp để râu bạc trắng nên vẻ ngoài nhìn rất... đẹp lão.

Theo nếp được dạy từ nhỏ ở nhà: Ai lớn tuổi hơn bố mẹ thì gọi bác, Hằng chào "bác" rõ to. Nào ngờ, sếp đáp lại: "Tất cả mọi người ở đây đều gọi tôi là anh", cô gái trẻ ngượng đỏ mặt. 

Sau lần đó, dù mỗi năm chỉ gặp sếp một vài lần trong những cuộc họp lớn, Hằng vẫn rất khó xử với cảm giác bị "mất điểm". Còn việc gọi sếp lớn tuổi là "anh", thật sự cô vẫn ngượng miệng. 

Nữ nhân viên méo mặt khi gọi sếp lớn tuổi là.... bác - 1

Nhiều nhân viên trẻ lúng túng trong chọn cách xưng hô với sếp lớn tuổi (Ảnh minh họa)

Câu chuyện tương tự với Nguyễn Đức Duy, 23 tuổi. Ngày đầu vào làm việc tại công ty quảng cáo, Duy đã gây "ấn tượng" ngay khi gọi vị trưởng đại diện chi nhánh... là cô.

"Cô" trố mắt nhìn cậu rồi cười: "Ủa, bộ nhìn chị già lắm hả?"

"Với sếp nữ, theo mình đừng quan tâm tuổi. Khi sếp còn là sếp, tốt nhất cứ nên gọi là chị", Duy tự chiêm nghiệm. 

Duy "đứng hình" mất một lúc. Vẻ ngoài của sếp rất "nhừ" kèm phong thái có uy nghiêm, cậu đoán không ra sếp chỉ mới qua tuổi 40 tuổi. 

Sau lần "hố" này, Đức nhanh chóng điều chỉnh lại thành gọi chị. Cũng may, chị sếp vui tính, không hề để bụng. Lâu lâu, sếp còn nhắc lại "thằng này dám chê chị già" như một kỷ niệm vui. 

Ngược lại, Thùy Nhung, tốt nghiệp ngành kế toán ở Q.3, TPHCM cũng từng ngượng ngùng khi cô lởi xởi xưng em, gọi anh với vị sếp lớn tuổi. 

Thật bất ngờ, sếp chỉnh ngay tại chỗ: "Không anh em gì ở đây, cháu cứ gọi là chú hoặc bác cho phù hợp".

Cần lịch sự và chân thành 

Chia sẻ câu chuyện về cách xưng hô giữa sếp và nhân viên, anh Võ Quốc Bình - quản lý một công ty về ô tô tại Thủ Đức, TPHCM - cho hay: "Cũng không ít lần, tôi phải "nắn" nhân viên trẻ. Đề nghị họ gọi mình là chú, dù tôi chưa đến tuổi 50".

Quan điểm của anh Bình, trong công việc, nếu có khoảng cách tuổi tác, gọi chú vừa lịch sự, tránh suồng sã, tạo khoảng cách an toàn, không làm khó cho ai. Nhiều cô gái trẻ họ rất ngại khi gọi một người lớn tuổi là anh. 

Nữ nhân viên méo mặt khi gọi sếp lớn tuổi là.... bác - 2

Anh Võ Quốc Bình đề nghị nhân viên trẻ gọi mình là chú. Vì cách gọi này vừa lịch sự, vừa tạo khoảng cách cần thiết.

Tuy nhiên, không phải anh cũng nghĩ như anh Bình.

Trong giao tiếp, nhiều người lớn tuổi, nhất là các quý ông vẫn thích những cô gái trẻ xưng anh em. Không chỉ là sự thân tình mà để họ không thấy mình già. 

Quan sát cách mọi người gọi sếp 

Với kinh nghiệm của mình, chị Lê Lan Phương, làm việc tại một công ty thực phẩm ở TPHCM cho biết, cách xưng hô với sếp lớn tuổi an toàn nhất cho nhân viên mới là quan sát cách nhân viên cũ xưng hô với sếp. Số đông mọi người gọi thế nào, mình gọi theo cách đó để không bị "lệch tông" nhau.

Khác với tiếng Anh, đại từ nhân xưng trong tiếng Việt rất phức tạp. Không chỉ đơn thuần là xưng hô mà qua các gọi còn thể hiện nhiều mối liên hệ như địa vị, tuổi tác, thái độ, chức vụ...

Chỉ với cách gọi, có thể làm người đối diện "già" thêm cả vài chục tuổi nhưng cũng có thể "trẻ hóa" người nghe. 

Điều này làm nhiều người cũng bị lúng túng khi chọn cách xưng hô với đồng nghiệp lớn tuổi hoặc ít tuổi hơn.

Ngay cả các sếp, có khi chính họ cũng khó xử không biết nên gọi nhân viên trẻ thế nào cho phù hợp. Gọi em thì ngại bị đánh thiếu nghiêm túc, gọi cháu thì thấy khoảng cách và tự làm già mình quá. 

Không có một công thức xưng hô nào được xem là "chuẩn mực" tuyệt đối giữa sếp lớn và nhân viên trẻ. Điều này còn tùy thuộc và quan điểm, môi trường, tính cách... của từng người. 

Việc xưng hô ban đầu nếu bị "hớ", chưa phù hợp với môi trường chung có thể  điều chỉnh lại. Quan trọng nhất trong giao tiếp chính là sự chân thành, lịch sự, tôn trọng... còn thể hiện qua tác phong, cử chỉ, cách nói chuyện thì việc gọi "anh", "chú", "bác" không phải là vấn đề lớn.