Nữ công nhân dệt may không có thời gian cho giao lưu, kết bạn
Nữ công nhân dệt may không có thời gian cho giao lưu, kết bạn là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch công đoàn (CĐ) Dệt May Việt Nam chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Phát huy vai trò của cán bộ nữ công tiêu biểu trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ” do Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam và CĐ Dệt May Việt Nam tổ chức vào sáng 19.7.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, CĐ Dệt May hiện đang quản lý trên 100.000 cán bộ nhân viên lao động (CBNV-LĐ) trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ trên 80%. Dệt May là ngành sử dụng nhiều lao động nữ nhất. Nữ chiếm đa số, phần lớn tuổi đời còn rất trẻ, đặc biệt là CN ngành may.
Nữ CN may phải ngồi một chỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng đến sức khỏe và không có nhiều thời gian dành cho việc giao lưu, kết bạn, hẹn hò, chăm sóc gia đình. Chị em ngành dệt lại phải đi ca và làm việc trong môi trường mà nhiệt độ và tiếng ồn rất cao, thu nhập thấp… Chính vì những lý do đó, lao động dệt may thường xuyên biến động, tuyển dụng lao động khó.
Lao động nữ phần đông là lao động nhập cư, ở trọ nên đời sống sinh hoạt gặp không ít khó khăn, thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần dẫn đến nhận thức về pháp luật, chủ trương chính sách để tự bảo vệ mình còn nhiều hạn chế.
Đối với lao động nữ ngành dệt may, nhất là đội ngũ trực tiếp sản xuất, trình độ, tác phong công nghiệp chưa cao, dẫn đến rụt rè, tự ti, thiếu tự tin. Việc học tập nâng cao trình độ chưa được chú trọng, thiếu chủ động tham gia vào hoạt động phong trào do CĐ cơ sở hoặc CĐ Dệt May tổ chức.
Hoạt động Nữ công tại một số cơ sở chưa thu hút, lôi kéo được đông đảo nam giới tham gia. Với quan niệm nữ CN được mặc định là phong trào dành riêng cho chị em, dẫn tới hạn chế trong việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những mong muốn cấp thiết của lao động nữ và hoạt động nữ công cũng trở nên thiếu màu sắc, sự lôi cuốn và thiếu hấp dẫn.
Tại buổi tọa đàm, bà Trịnh Thanh Hằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận những ý kiến đóng góp, kinh nghiệm trong công tác nữ công của các cán bộ CĐ, cán bộ nữ công ở cơ sở thuộc CĐ Dệt may Việt Nam. Qua đó, sẽ chuyển tải các mong muốn của các đại biểu tới Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam để đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động và có các chính sách đảm bảo cho người lao động nữ luôn luôn được chăm lo, bảo vệ quyền lợi một cách thiết thực nhất.
Theo Báo Lao động