Những mẻ cá "chạy bão số 5" của ngư dân xứ Thanh
(Dân trí) - Trước khi bão chưa đổ bộ, những ngư dân đánh bắt gần bờ ở vùng biển Thanh Hóa tranh thủ "chạy bão" để kiếm thêm những mẻ cá, tôm kịp phục vụ người dân những ngày sắp tới.
Sáng sớm nay (10/9), ông Trương Như Đức (52 tuổi, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn) vội vã dậy từ 4h để chuẩn bị ngư lưới cụ rồi kéo thuyền ra khơi. Khác với ngày thường, hôm nay, ông ra khơi trong tâm thế khẩn trương hơn để đánh bắt những mẻ cá cuối cùng trước giờ bão số 5 đổ bộ đất liền.
Với kinh nghiệm gần 30 năm đi biển, "lão ngư" này như đã hiểu và thành thạo với từng con sóng, chiều gió. Theo ông, khoảng thời gian bão đang di chuyển ngoài Biển Đông thì khu vực gần bờ thường lặng gió, sóng nhỏ. Đây là thời điểm ngư dân khai thác gần bờ có thể tranh thủ ra khơi.
"Phải quan sát được hướng gió và sóng biển, nếu gió nhẹ và biển lặng thì mới dám ra khơi. Vì chúng tôi đánh bắt gần bờ, chỉ vài tiếng là xong một mẻ cá nên có thể tranh thủ được. Còn những người đánh bắt xa bờ thì mỗi khi nghe tin bão đã phải vào bờ neo đậu từ mấy hôm nay rồi", ngư dân Trương Như Đức chia sẻ kinh nghiệm nghề.
Theo ông Trương Như Đức, những ngày cận bão biển động, lượng cá tôm ở khu vực gần bờ cũng nhiều hơn thường lệ. Chính vì vậy, đây là thời điểm người ngư dân sẽ có nguồn thu nhập cao hơn so với ngày thường.
Như ngày hôm nay, ông xuất phát lúc 4h và 7h đã có mặt trong bờ để gỡ cá và kiếm được thu nhập 500.000 đồng.
Vừa gỡ cá sau nhiều giờ đánh bắt, ông Trương Như Đức hồ hởi: "Nghề đi biển làm việc quanh năm, trừ khi sóng quá to và trời trở gió thì mới nghỉ. Mấy hôm nay nghe tin bão số 5, chúng tôi cũng lo lắng. Theo kinh nghiệm, nếu căn thời gian khi nào còn khoảng 40 tiếng trước khi bão vào đất liền, thì lúc đó chúng tôi sẽ dừng đánh bắt".
Ngư dân Trần Văn Lanh (phường Quảng Cư) cũng vừa kết thúc chuyến ra khơi vào sáng nay. Trong chuyến ra khơi "chạy bão" này, ông may mắn trúng mẻ cá bạc má tươi ngon, thu về tiền triệu.
"Đang lặng gió, gỡ xong mẻ này tôi tranh thủ ra làm mẻ nữa. Được thua gì thì ngày mai cũng nghỉ, bão mà vào thì cũng nghỉ ít nhất 2 - 3 hôm để phòng tránh", ngư dân Trần Văn Lanh chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Lanh, vào những ngày mưa bão thì cá, tôm rất đắt hàng mà giá thành lại cao nên ai cũng tranh thủ ra khơi trước ngày bão đến. Có những hôm giá gấp đôi, gấp 3 lần là chuyện thường. Những chuyến đi biển cận bão như thế này không chỉ kiếm thêm thu nhập mà còn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho bà con dự trữ.
Theo ghi nhận của phóng viên, 7h sáng ngày 10/9, dọc bãi biển Sầm Sơn, không khí hối hả, nhộn nhịp cảnh ngư dân đang thu hoạch cá, tôm sau nhiều giờ đánh bắt. Hàng chục chiếc thuyền, bè nối đuôi nhau cập bến.
Cá, tôm sau khi đánh bắt đã được các lái buôn thu mua tại chỗ để kịp cho phiên chợ sáng. Cũng trong buổi sáng ngày hôm nay, thời tiết tại đây hửng nắng, biển lặng gió.
Chị Nguyễn Thị Thủy - người thu mua cá tại bãi biển, cho hay: "Vài hôm nữa bão vào không có cá để bán, tôi tranh thủ lúc này phải mua về để tích trữ. Những ngày này giá thành cũng có phần cao hơn ngày thường, tôi phải túc trực ở đây từ sáng sớm để đặt hàng trước".
Còn tại khu vực cảng Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, nhiều ngư dân và lái buôn cũng đang hối hả bốc dỡ cá, tôm từ tàu thuyền vào kho bảo quản. Hầu hết các tàu thuyền với công suất lớn trên địa bàn đã cập bến an toàn trước khi bão đổ bộ đất liền.
Theo ông Lê Văn Hân, Phụ trách điều hành chung cảng Hới, ngoài số phương tiện đã neo đậu vào âu thuyền Quảng Tiến thì vẫn còn một số phương tiện mới vào bờ. Ban quản lý cảng đang thông báo đến người dân tiếp tục bốc dỡ hàng hóa, khẩn trương di chuyển phương tiện vào âu thuyền trước khi bão đổ bộ.