"Lão gàn" U50 đánh thức vùng chiêm trũng, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
(Dân trí) - Bằng sự cần cù và ý chí vươn lên làm giàu, lão nông 50 tuổi ở xứ Thanh đã biến một vùng đồng ruộng chiêm trũng thành trang trại tổng hợp, mỗi năm kiếm vài trăm triệu đồng.
Chinh phục vùng đồng chiêm trũng
Ông là Lê Văn Thảo (SN 1971), ở thôn Thiều Xá 2, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Người cựu chiến binh 50 tuổi này đang là một trong những gương làm kinh tế điển hình ở vùng quê nơi đây.
Năm 1996, sau 4 năm tham gia quân đội, ông xuất ngũ rồi về quê sinh sống bằng nghề làm ruộng. Để có được cơ ngơi trang trại như hiện tại, ít ai biết đó là thành quả của sự cần cù và ý chí làm giàu của người cựu binh Lê Văn Thảo.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng trang trại, ông Lê Văn Thảo kể: "Năm 2017 địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, lúc đó, khu vực đất trang trại còn là một vùng đồng ruộng chiêm trũng, quanh năm nước ngập ngang người, cỏ cây um tùm".
Nhìn thấy đồng ruộng bỏ hoang, ông Lê Văn Thảo cảm thấy xót xa, chính điều này đã thôi thúc người cựu binh quyết tâm chinh phục vùng đồng chiêm để xây dựng trang trại.
"Ngày nghe tôi ra đồng hoang làm kinh tế, ai cũng bảo "lão gàn". Quanh năm nước ngập sâu đến lúa còn không mọc được thì huống chi làm giàu. Nhưng tôi nghĩ không gì là không thể", ông Lê Văn Thảo chia sẻ.
Tìm hiểu và tham khảo một số mô hình kinh tế, ông bàn với vợ rồi lên xã xin dồn điền đổi thửa để lấy hơn 1 ha vùng đồng chiêm về đào ao, thả cá rồi đắp đất trồng cây.
Nhớ lại những ngày đầu mới xây dựng, vợ chồng ông đã trải qua rất nhiều khó khăn. Dốc hết tiền trong nhà cũng được hơn 200 triệu đồng, ông tính liều làm đến đâu thì vay ngân hàng đến đó.
"Nhưng khó khăn nhất là cải tạo ao đầm, để tiết kiệm chi phí cả nhà tôi phải làm cả ngày lẫn đêm, đẩy từng xe đất để mở đường, đắp ao vườn. Tôi cho đào 2 cái ao lớn rồi thả cá nuôi trước, sau đó tập trung vào đắp đất làm vườn để trồng chuối tiêu hồng, cây rau củ quả", ông Lê Văn Thảo chia sẻ.
Kiếm vài trăm triệu đồng mỗi năm
Với kinh nghiệm của con nhà nông, sau một năm, gia đình ông Lê Văn Thảo đã biến vùng đồng hoang ấy đã trở thành cơ ngơi trang trại tổng hợp khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Mỗi năm, ông kiếm thu nhập từ 200-300 triệu đồng từ nuôi cá và trồng các loại cây xen canh.
Khác với các mô hình trang trại khác, ông tập trung sản xuất theo vụ mùa. Ngoài hai ao cá cố định, diện tích đất trống còn lại ông tiến hành trồng xen canh các loại cây như: Rau cần, cà chua, cây ăn quả, dưa, lúa nước… mùa nào cây đó.
Tuy nhiên, trong số những cây chủ lực đem lại nguồn lợi nhuận cao đó là cây chuối tiêu hồng. Theo ông Lê Văn Thảo, trong lần tình cờ biết đến mô hình chuối tiêu hồng trên ti vi, ông đã thử nghiệm trồng vài chục gốc. Ông không ngờ năng suất mà cây chuối đem lại rất cao.
"Lúc đầu trồng thử nghiệm xem sao, nhưng không ngờ hợp thổ nhưỡng nên cây chuối cho năng suất cao. Vì vậy tôi đã tăng số lượng trồng chuối dọc các bờ ao. Vụ vừa qua nhờ cây chuối tiêu hồng mà gia đình tôi cũng kiếm thêm 70 triệu đồng", ông Lê Văn Thảo cho biết.
Để mở rộng và đa dạng hóa mô hình nhằm kiếm thêm thu nhập, vừa qua ông đã đầu tư xây dựng một dãy chuồng trại để nuôi lợn nái và lợn thịt.
Cũng theo ông Lê Văn Thảo, bí quyết thành công như ngày hôm nay không có gì khác ngoài ý chí và sự cần cù chịu khó: "Nếu không dám nghĩ dám làm thì tôi không có được cái trang trại này. Tuy mới bắt đầu vài năm nay nhưng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để gặt hái được nhiều thành quả lớn hơn".
Nói về những dự định sắp tới, ông Lê Văn Thảo vui vẻ cho hay: "Tuy mới xây dựng được ít năm nhưng được cái tôi chưa hề thất bại lần nào. Lần này tôi quyết định đầu tư gần 200 triệu đồng để nuôi lợn kết hợp mô hình VAC. Nếu nuôi đàn lợn đạt hiệu quả, tôi sẽ mở rộng diện tích để tăng cường vào việc nuôi thêm".
Không chỉ làm kinh tế giỏi, vào thời điểm thu hoạch hoa màu, mô hình trang trại của gia đình ông Lê Văn Thảo còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Theo ông Lê Văn Thảo, vào mỗi vụ cấy, gặt, thu hoạch cây ăn quả, tại trang trại của ông có khoảng 20 lao động thời vụ làm việc.
Theo ông Lê Xuân Huệ, Chủ tịch Hội nông dân xã Cầu Lộc, trước đây khu vực này là đồng sâu, chiêm trũng, được sự quan tâm của chính quyền địa phương định hướng cho các hộ chuyển đổi mục đích sử dụng. Từ đó, gia đình ông Lê Văn Thảo đã tập trung cải tạo, phát triển kinh tế đến nay cũng đã có những kết quả bước đầu, thu nhập hàng năm 200-300 triệu đồng, tạo việc làm cho 10-20 lao động thời vụ.
Mô hình trang trại của gia đình ông Lê Văn Thảo là một trong những mô hình kinh tế điển hình ở địa phương. Ông Lê Văn Thảo không chỉ là người dám nghĩ, dám làm mà còn là Hội phó Hội cựu chiến binh gương mẫu của thôn Thiều Xá 2 đã có thành tích xuất sắc trong làm ăn kinh tế.