Công nhân "làm đẹp" đô thị: Mùa dịch có việc làm đã là may mắn

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Những ngày này, công nhân môi trường, đô thị vẫn đi làm chỉnh trang đường phố, chăm sóc từng cành cây, ngọn cỏ luôn được xanh tươi. Với họ, còn việc làm trong lúc này đã là điều may mắn.

Nghề "làm đẹp" đô thị trong mùa dịch

Dầm mưa nắng không sợ, chỉ sợ thất nghiệp

Hơn 10h trưa tại đường Võ Văn Kiệt (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), các nhóm công nhân môi trường đô thị vẫn miệt mài nhổ cỏ, trồng hoa, dọn vệ sinh trên dải phân cách cây xanh dưới trời nắng gắt.

Công nhân làm đẹp đô thị: Mùa dịch có việc làm đã là may mắn - 1

Nhiều phụ nữ nông thôn mưu sinh với nghề "làm đẹp" phố phường mùa dịch ở Cần Thơ. Họ thường phải "đội nắng" để nhổ cỏ, trồng hoa...

Hàng ngày, bà Lương Thị Bé (59 tuổi, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền) vẫn đạp xe vượt gần 20 cây số để đến nơi làm việc. Nhà không có đất vườn, bà Bé phải làm mướn mưu sinh. Khoảng 2 năm trước, bà được hàng xóm giới thiệu xin vào làm ở Công ty Đỗ Duy, kinh doanh dịch vụ trồng hoa kiểng đô thị.

Giữa giờ làm việc, tranh thủ lau dòng mồ hôi ở trán, bà Bé tâm sự: "Nghề làm việc ngoài trời suốt ngày rất vất vả. Mùa nắng thì phải làm dưới cái nóng của thời tiết, của dòng người, xe phả ra. Còn mùa mưa thì dầm trong nước lạnh, bùn đất, nước thải cống rãnh. Mưa to thì tìm chỗ trú, còn mưa nhỏ thì ráng làm cho xong việc để về nhà".

Công nhân làm đẹp đô thị: Mùa dịch có việc làm đã là may mắn - 2

Phương tiện đi lại của các bà, các chị công nhân chủ yếu là xe đạp, có người đi từ nhà đến nơi làm việc cả chục cây số.

Theo sự phân công công việc, nam giới cắt tỉa cây xanh công trình hoặc tỉa bồn hoa, còn phụ nữ chủ yếu nhổ cỏ, trồng cỏ. Chị em phụ nữ làm ở đây đa phần là phụ nữ ở nông thôn. Người nữ lớn tuổi nhất ngoài 60, còn trẻ nhất chỉ mới 19 tuổi.

Bình thường, mỗi ca làm kéo dài 8 tiếng, từ 7h sáng đến 4h30 chiều. Lúc này, do dịch bệnh nên công ty giảm số giờ làm việc lại cho công nhân, khoảng 3h30 chiều họ đã có thể tan ca.

"Nắng hay mưa chúng tôi đều không sợ. Sợ nhất là thất nghiệp thôi. Từ lúc dịch bệnh bùng phát đến giờ thu nhập giảm đi đáng kể. Cả tháng rồi tôi đi làm chỉ được hơn 10 ngày, tiền lương thì làm ngày nào tính ngày đó. Mỗi ngày được 180.000 đồng. Chồng thì thất nghiệp nên một mình tôi phải lo chồng, thêm 2 cháu nữa", bà Bé bùi ngùi.

Công nhân làm đẹp đô thị: Mùa dịch có việc làm đã là may mắn - 3

Phụ nữ làm ở đây người lớn tuổi nhất ngoài 60, trẻ nhất chỉ mới 19 tuổi. Do nhà xa, họ mang theo cơm, nước ăn tại chỗ rồi khi mệt thì nghỉ ngơi ngay tại bồn hoa.

Ít tuổi nhất trong nhóm công nhân là chị Nguyễn Thị Hồng Lý (19 tuổi). Chị kể, do gia cảnh khó khăn nên chị nghỉ học từ sớm để kiếm tiền phụ gia đình. Lấy chồng không bao lâu thì Lý sinh con. Chồng Lý làm phụ hồ và bị mất việc vì dịch bệnh nên mọi thu nhập trong gia đình đều trông chờ vào chị.

"Ra đường trong mùa này em cũng sợ lắm vì dịch bệnh phức tạp nhưng không đi làm thì biết lấy gì nuôi con nhỏ", Lý chia sẻ.

Công nhân làm đẹp đô thị: Mùa dịch có việc làm đã là may mắn - 4

Sau nhiều ngày tạm nghỉ vì chỗ ở bị phong tỏa, chị Nguyễn Thị Hồng Lý đã có thể đi làm lại để kiếm tiền lo cho gia đình.

Dãi nắng, dầm mưa thiếu chỗ nghỉ ngơi

Không chỉ giảm thu nhập, nhiều công nhân lo lắng khi không có chỗ trú mưa, tránh nắng mỗi khi thời tiết quá xấu. Bà Lê Thị Khéo (61 tuổi) làm công nhân môi trường đã gần 20 năm, cho biết dịch bệnh kéo đến khó khăn đủ đường. Hầu hết công nhân đều phải mang cơm và nước uống rồi nghỉ ngơi tại chỗ làm.

"Lúc trước nghỉ ngơi khá dễ, chúng tôi có thể ngồi dưới mái hiên nhưng giờ dịch bệnh ai nấy sợ người lạ nên không cho chúng tôi ngồi trước nhà. Nhớ có lần chị em chúng tôi làm vệ sinh bồn hoa ở gần siêu thị do không có chỗ nấp nên chỉ biết trùm tấm cao su để che chắn mưa", bà Khéo kể.

Công nhân làm đẹp đô thị: Mùa dịch có việc làm đã là may mắn - 5

Bà Lê Thị Khéo làm công việc chăm sóc cây xanh đô thị đã được hơn 10 năm.

Dẫu vất vả là thế nhưng hầu hết công nhân đều cho rằng: "Nghề nào thì cũng phải chịu cực, chưa kể giờ dịch bệnh, có việc làm đã là may mắn lắm rồi".

Trao đổi với Dân trí, chị Hoàng Oanh Thủy, Quản lý Đội cây xanh của Công ty TNHH xây dựng Đỗ Duy, cho biết do tình hình dịch bệnh nên số lượng nhân công giảm đáng kể. Đối với nhóm trồng cỏ bồn hoa chỉ còn hơn 10 người.

"Để giúp người lao động có đủ điều kiện đi làm trong mùa dịch, chúng tôi đã hỗ trợ giấy đi đường cho công nhân. Trước đó, công ty cũng đã đăng ký tiêm vắc xin cho công nhân làm việc. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở bà con phải tuân thủ quy tắc "5K" để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và mọi người", chị Thủy cho hay.