Những chuyến bay thi gan trong cơn bão và quyết định thót tim của cơ trưởng
(Dân trí) - Thời tiết xấu khiến chuyến bay khởi hành từ Đà Nẵng đi Hà Nội rung lắc liên hồi, hành khách sợ hãi. Thời khắc thót tim ấy, cơ trưởng Trung Minh phải đưa ra quyết định quan trọng tính bằng giây.

Những chuyến bay vượt bão đo bản lĩnh phi công
“Máy bay đang đi vào vùng nhiễu động. Hành khách vui lòng ổn định chỗ ngồi, giữ bình tĩnh và thắt chặt dây an toàn”, cơ trưởng Trung Minh (SN 1981, ngụ tại TP Hà Nội) vừa dứt lời, chiếc máy bay chở hàng trăm hành khách trên hành trình từ Đà Nẵng ra Hà Nội rung lắc từng chập. Trong khoang, một số hành khách không kìm nén được sợ hãi, hét thất thanh.
Trong buồng lái, cơ trưởng và cơ phó sử dụng hệ thống radar thời tiết để tìm lối đi an toàn nhất, tập trung hết mức vào bảng điều khiển với nhiều nút lệnh vô cùng phức tạp, cùng xử lý tình huống trong sự phối hợp với hệ thống kiểm soát không lưu. Thoáng ngước mắt nhìn bên trái kính lái, cơ trưởng Trung Minh cau mày vì những tia lửa điện (elmore fire) do bão gây ra, chói lóa.


(Ảnh minh hoạ trong buồng lái giả định)
Khi máy bay gần tới điểm hạ cánh ở đường băng 11R, thời tiết bất ngờ chuyển biến xấu.
“Hãy liên lạc với đài chỉ huy sân bay Nội Bài kiểm tra tốc độ gió mặt đất và trên đường băng”, anh Trung Minh nói với cơ phó.
Bất ngờ, lúc máy bay đạt độ cao quyết định (decision Altitude), cả hai phi công không thể nhìn thấy đèn tiếp cận hạ cánh vì mưa sầm sập và gió lớn vượt ngưỡng cho phép.
Để đảm bảo an toàn cho chuyến bay, cơ trưởng Trung Minh ngay lập tức quyết định bay vòng lại (go - around), “bám trụ” tại một vùng trời phía Đông ở sân bay Nội Bay trong tình thế nhiên liệu còn lại chỉ còn đáp ứng khoảng 1 giờ 15 phút bay chờ, đủ để trở về sân bay dự bị.
Trước thời khắc thót tim ấy, do bão đã về và thời tiết xấu kéo dài, nam cơ trưởng liền quyết định liên hệ để bay trở lại sân bay dự bị tại Đà Nẵng và thông báo qua loa phát thanh đến hành khách.
Khi máy bay hạ cánh an toàn, đội ngũ phi hành đoàn thở phào nhẹ nhõm. Trong buồng lái, anh Trung Minh xúc động khi nghe thấy tiếng vỗ tay và lời cảm ơn từ hàng trăm hành khách.
“Chuyến bay năm 2020 ấy là một trong những ký ức đáng nhớ nhất với tôi trong nghề”, anh Trung Minh bộc bạch.


Suốt 12 năm làm phi công, cơ trưởng Trung Minh chia sẻ đã tích lũy hơn 9.000 giờ bay, từng nhiều lần “bám trụ” trên bầu trời trong 2 giờ và đưa máy bay thoát khỏi vùng nguy hiểm khi gặp thời tiết xấu.
Động lực khiến cơ trưởng Trung Minh vững vàng trong nghề chính là sự thấu hiểu và tin tưởng tuyệt đối của hành khách, nhất là khi anh phải đưa ra quyết định thay đổi lộ trình vì sự an toàn của cả chuyến bay.
Anh cho hay trong ngành hàng không, việc đối mặt với điều kiện thời tiết xấu là không thể tránh khỏi. Mỗi quyết định đều phải dựa trên hệ thống dữ liệu, thông số từ radar thời tiết, mô hình dự báo, thông tin kiểm soát không lưu và cả trực giác được rèn giũa qua huấn luyện khắc nghiệt của nghề cầm lái.
Bản lĩnh của phi hành đoàn dày dặn kinh nghiệm
Phi công Trung Minh khẳng định khi đã theo nghề này, phi công phải chấp nhận học tập và rèn luyện suốt đời, cho đến khi về hưu. Đi cùng với trách nhiệm to lớn, mỗi quyết định của họ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn tính mạng của hàng trăm con người.
Để được hưởng những đặc quyền mà không phải ai cũng có với nghề này, cơ trưởng Trung Minh chia sẻ người muốn trở thành phi công phải đáp ứng và chuẩn bị thật tốt nhiều tiêu chí khác nhau.


"Giai đoạn tuyển dụng chia làm nhiều vòng. Trước hết, hãng bay sẽ sàng lọc hồ sơ của các ứng viên đáp ứng yêu cầu đầu vào của đơn vị. Sau đó, hãng tổ chức vòng thi IQ, đánh giá khả năng đưa ra đáp án chính xác trong thời gian ngắn đối với các phần thi tư duy hình học, số học, logic…
Vượt qua vòng này, ứng viên tiếp tục trải qua vòng kiểm tra sức khỏe, liên quan đến các chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể), chức năng của từng bộ phận trên cơ thể, khả năng phản xạ, ứng phó các tình huống cấp bách…
Ứng viên còn được đưa vào buồng điều áp, nơi có áp suất cao và thiếu oxy, rồi xử lý các câu hỏi tính toán. Cuối cùng, người trụ lại mới tham gia vòng phỏng vấn để xem có thật sự thích hợp với công việc này không", anh Minh nói.
Khi đã vượt qua các vòng ứng tuyển, ứng viên còn phải sẵn sàng cho đợt huấn luyện kéo dài khoảng 1 năm. Nếu không thành công, người được chọn cũng bị loại ngay lập tức.
"Trong số hàng trăm học viên phi công dự khóa bay được tham gia huấn luyện, mỗi đợt chỉ vài chục người chính thức "qua bài". Những người này sẽ được đưa sang nước ngoài để tiếp tục trải qua 18 tháng học lý thuyết và thực hành bay bằng máy bay huấn luyện và khoang lái giả định.


Sau khi hoàn thành khóa học này, phi công mới được lái chuyến bay đầu tiên, với sự giám sát và hướng dẫn của người huấn luyện. Tôi từng chứng kiến nhiều người vượt qua các vòng tuyển chọn gắt gao, nhưng lại bị loại vì thiếu một vài tiêu chí", nam cơ trưởng nói.
“Thông thường, phi công sẽ phải tham gia các khóa huấn luyện mô phỏng định kỳ 6 tháng một lần, tái hiện đầy đủ các kịch bản như gió đứt, giông bão, băng tuyết, hỏng động cơ, cháy khoang lái, mất hệ thống dẫn đường... trong môi trường giả lập sát thực tế. Những buổi huấn luyện không chỉ kiểm tra khả năng xử lý kỹ thuật, mà còn giúp phi công rèn luyện tâm lý vững vàng, giữ bình tĩnh trước áp lực thời gian và tình huống nguy cấp”, anh chia sẻ.
Tiếp viên hàng không Huỳnh Trần Công Thoại (hãng Vietjet Air) cũng trực tiếp làm việc trên nhiều chuyến bay phải đối mặt điều kiện thời tiết xấu vì mưa bão, giông lốc những ngày gần đây.


Khi đi vào vùng nhiễu động, nhiệm vụ của tiếp viên hàng không là luôn giữ bình tĩnh, quan sát bên ngoài kính lái và lắng nghe chỉ đạo từ cơ trưởng. Tiếp viên đồng thời là người trực tiếp đảm bảo sự an toàn và ổn định tâm lý cho hành khách.
Chuyến bay từ Việt Nam đi Australia mới đây là một trong những ký ức khiến nam tiếp viên “nhớ đời” nhất, khi điều kiện thời tiết phức tạp khiến mọi thứ chuyển biến trong tích tắc, máy bay giảm độ cao liên tục và cả khoang rung lắc dữ dội.
“Lúc đó, tổ bay đang phục vụ suất ăn thứ hai cho hành khách thì cơn rung lắc bất ngờ ập đến. Xe đẩy thức ăn đổ ngã, ly tách, giấy tờ văng tứ tung. Trước tình huống đó, đội ngũ tiếp viên phải nỗ lực cố định các vật dụng nguy hiểm như bình nước sôi, đảm bảo an toàn cho hành khách”, anh kể.
Để có thể chinh phục giấc mơ nghề nghiệp từ nhỏ, anh Thoại phải đạt nhiều điều kiện khắt khe. Trong đó, yếu tố đầu tiên, tiên quyết với mỗi tiếp viên hàng không là phải đạt đủ tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, sở hữu khuôn mặt ưa nhìn.
Nam tiếp viên trấn an hành khách khi máy bay rung lắc trong điều kiện thời tiết xấu.
Trước đó, mỗi ứng viên vào ngành cũng phải trải qua các vòng tuyển chọn với tỉ lệ chọi lớn. Theo dữ liệu mà một hãng bay công bố năm 2016, có khoảng 150.000 người nộp đơn thi tiếp viên, nhưng chỉ 1% trong số đó đỗ. Còn tại Việt Nam, tỉ lệ là khoảng 10% người dự thi được lựa chọn.
Công tác đào tạo tiếp viên hàng không thường kéo dài 3 tháng. Trong đó, tất cả các hãng đều có trung tâm riêng biệt, đào tạo về các môn học an toàn bay, phục vụ khách hàng, kiến thức sơ cấp cứu, nhận biết các hàng hóa nguy hiểm và các môn học Cục hàng không đưa ra.
Ảnh, clip: Nhân vật cung cấp