Những công việc công chức, viên chức không được làm

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Công chức, viên chức có thể làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập nhưng có những công việc họ không được phép làm.

Luật sư

Điều 17 của Luật Luật sư năm 2006 quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, được sửa đổi tại Khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012.

Theo Điểm b Khoản 4 Điều 17, người đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân… không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.

Trong trường hợp người đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư nhưng sau đó được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm trên thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư.

Việc này được quy định tại Điều 18 của Luật Luật sư năm 2006, được sửa đổi tại Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Những công việc công chức, viên chức không được làm - 1

Có nhiều công việc công chức, viên chức không được làm (Ảnh minh họa: Quốc Anh).

Quản lý doanh nghiệp

Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp quy định về những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là một trong những trường hợp này.

Ngoài ra, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam cũng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp; ngoại trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước cũng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác.

Bán hàng đa cấp

Nghị định 40/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về việc quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2023/NĐ-CP.

Theo Điểm đ Khoản 2 Điều 28 của nghị định này, cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức là một trong những trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp.

Tại Điểm đ Khoản 3 Điều 34, nghị định này còn quy định cán bộ, công chức cũng không được làm đào tạo viên để đào tạo cho người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp.

Công việc liên quan lĩnh vực quản lý

Khoản 2 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng quy định rất chi tiết về những công việc mà cán bộ, công chức là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm công việc liên quan đến lĩnh vực mình quản lý.

Tại Điểm b Khoản 2 Điều 20, Luật quy định những người này không được phép thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Tại Điểm c Khoản 2 Điều 20, Luật quy định những người này không được phép tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết.

Tại Điểm d Khoản 2 Điều 20, Luật quy định những người này không được phép thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ.

Tại Khoản 4 Điều 20, Luật quy định cán bộ, công chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

Công việc không được làm khi đã nghỉ hưu

Điều 19 văn bản 25/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Cán bộ, công chức quy định những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến bí mật nhà nước.

Khoản 2 Điều 19 quy định: "Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 5 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài".