Nhiều lao động trung cấp, cao đẳng nhận lương khởi điểm từ 6-8 triệu đồng
(Dân trí) - “Lương khởi điểm bình quân của lao động trình độ trung cấp, cao đẳng sau khi tốt nghiệp đạt 4,6 - 5,2 triệu đồng/tháng. Nhiều ngành, nghề có lương khá cao như điều khiển phương tiện thủy nội địa, vận hành cẩu trục đạt từ 6-8 triệu đồng. Một số nghề còn có lương khởi điểm tới 10 triệu đồng”.
Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH), đánh giá về kết quả giải quyết việc làm cho học sinh trung cấp và sinh viên cao đẳng năm 2017, tại Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh, thi tốt nghiệp và phương hướng năm 2018 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 2/4 tại Hà Nội.
Có việc làm - đích đến của đào tạo
Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phân tích sâu về tỉ lệ tốt nghiệp và việc làm của người học năm 2017, trên cơ sở nhìn nhận công tác tuyển sinh, đào tạo, việc làm, chất lượng lao động đều thuộc chuỗi quan hệ thống nhất của hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
“Theo báo cáo của 63 sở LĐ-TB&XH, tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%, trong đó tỷ lệ sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm đạt 79 %, trung cấp đạt 82 %” - ông Vũ Xuân Hùng cho biết.
Thứ trưởng Lê Quân: Cần nhìn nhận tuyển sinh là “ngọn”, việc làm là “gốc” của vấn đề
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, nếu các trường cam kết và đảm bảo học sinh ra trường có việc làm, thậm chí có việc làm và thu nhập ngay khi còn trên giảng đường thì tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp sẽ chuyển biến tích cực hơn. Qua đó dẫn tới thay đổi nhận thức của gia đình người học cũng như xã hội. Thực tế ở Hà Nội, một số trường đã cam kết hoàn trả học phí nếu học sinh ra trường không nhận được mức lương khởi điểm 7 triệu đồng. Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh: "Hoàn trả học phí chỉ là một phần lãng phí nhỏ nếu so sánh với việc đào tạo mà người học ra trường không có việc làm".
Đặc biệt, các ngành, nghề thuộc khối kỹ thuật - công nghệ có số lượng HSSV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao như nghề hàn (92%), nghề điện công nghiệp (88%), nghề cắt gọt kim loại (86%), nghề công nghệ ô tô (82%), nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (80%)...
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã tăng cường hợp tác với các nước để đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động, ký kết hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số tập đoàn kinh tế lớn trong việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm.
Ở cấp địa phương, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động thực hiện gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động như là điều kiện để tồn tại và phát triển với nhiều mô hình hợp tác như: Ký kết giữa doanh nghiệp - nhà trường trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp; mời doanh nghiệp tham dự để ký kết hợp đồng tuyển dụng trực tiếp với HSSV tốt nghiệp tại các lễ bế giảng; tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho HSSV tốt nghiệp...
Từ thực tế đó, những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với doanh nghiệp tất yếu sẽ tạo ra tỷ lệ HSSV tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp có việc làm ngay ở mức cao.
Ông Vũ Xuân Hùng đơn cử một số trường có tỉ lệ việc làm từ 96- 100 % như: “Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ, Trường CĐN Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Trường CĐN Lilama 2, Trường CĐN số 1 tỷ lệ có việc làm tới 100%. Trường CĐN Du lịch Vũng Tàu tỷ lệ có việc làm là 98,5%. Trường CĐN Việt Nam - Singapore tỷ lệ có việc làm là 98%; Trường CĐN Du lịch - Thương mại Nghệ An tỷ lệ có việc làm là 96,4 %...”.
Khó khăn không ít
Khảo sát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trong cả nước năm 2017 đạt 2,2 triệu người, trong đó số HSSV cao đẳng và trung cấp là 540.400 người, chiếm 24,5 %.
Mặc dù kết quả trên đạt mục tiêu ban đầu, thể hiện sự chuyển biến và đạt chỉ tiêu về về tuyển sinh trung cấp từ nguồn trung học cơ sở, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn được ghi nhận từ công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2017.
Theo ông Tào Bằng Huy, Cục Phó Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), qua khảo sát cho thấy, hơn 90 % doanh nghiệp không hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Số gần 10% doanh nghiệp có sự hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chủ yếu thuộc nhóm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp còn lại chủ yếu đào tạo qua hình thức hợp tác khác.
Ông Vũ Xuân Hùng đánh giá: “Năm 2017 là năm đầu chuyển đổi sang thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong khi phương thức tuyển sinh đại học có sự thay đổi và ít nhiều tạo áp lực cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh. Thực tế là đã có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường tuyển sinh được rất thấp”.
Đại diện Vụ Đào đạo chính quy thừa nhận, cũng là năm đầu tiên triển khai tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lúng túng, vướng mắc khi xét tuyển người học vào cao đẳng qua kỳ thi đại học, chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng thực hành, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo...
Bên cạnh đó, cơ cấu tuyển sinh, đào tạo giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, chủ yếu vẫn “nặng” về đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu.
Mạng lưới cơ sở còn cồng kềnh, chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo, hiệu quả hoạt động thấp; chưa hình thành được các trường chất lượng cao đạt trình độ quốc tế. Nhiều địa phương quá tập trung đầu tư cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, tốt nghiệp THPT vào đại học; đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.
Hoàng Mạnh