1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thứ trưởng Lê Quân: “Trường nghề kém hiệu quả sẽ giải thể hoặc sáp nhập”

(Dân trí) - “Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là những trường trong 3 năm tuyển sinh không hiệu quả, tức là dưới 50 % chỉ tiêu thì sẽ thuộc đối tượng tái cấu trúc”


Thứ trưởng Lê Quân (ngoài cùng, bên trái)

Thứ trưởng Lê Quân (ngoài cùng, bên trái)

Chiều 7/2, tại Hà Nội, ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trao đổi với báo giới về chủ trương quy hoạch các trường trung cấp nghề từ nay tới năm 2020.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với các địa phương thực hiện các đề án cấp tỉnh, cấp ngành trong năm 2018.

Thứ trưởng Lê Quân cho biết, những trường trong 3 năm tuyển sinh không hiệu quả, tức là dưới 50 % chỉ tiêu thì sẽ thuộc đối tượng tái cấu trúc.

Nói rõ hơn về phương án tái cấu trúc, Thứ trưởng Lê Quân cho biết sẽ có 2 hình thức sáp nhập hoặc giải thể: “Loại thứ nhất là sáp nhập vào các trường khác nhằm tận dụng cơ sở, mạng lưới qua đó hình thành nên các trường trọng điểm chất lượng cao. Những trường trung cấp chỉ sống bằng liên kết cho thuê địa điểm, tuyển sinh không đáp ứng được chỉ tiêu…sẽ là đối tượng đầu tiên được tái cấu trúc. Ngoài ra, trong một số trường hợp do điều kiện cơ sở vật chất và một số điều kiện khác chưa đáp ứng được cho việc sáp nhập thì sẽ phải giải thể. Đó là xu hướng hiện nay”.

Thứ trưởng Lê Quân cho biết thêm, việc tự chủ sẽ gắn liền với cạnh tranh chất lượng đào tạo của các trường. Qua đó dần tiến tới cơ chế đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, việc quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp sẽ theo lộ trình đang trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, từ nay tới năm 2020, về cơ bản những trường trung cấp sẽ sáp nhập về các trường cao đẳng.

“Tuy nhiên trong giai đoạn này, Bộ cũng không cứng nhắc trong việc sáp nhập cả những trường đang hoạt động tốt vào với nhau. Nhiều khi như thế lại tạo ra trường “ốm yếu”. Thay vào đó, những trường trung cấp đang hoạt động và có hiệu quả tốt có thể nhận được những hỗ trợ để nâng cấp lên cao đẳng” - Thứ trưởng Lê Quân nói.

Bàn về công tác tự chủ của các trường, Thứ trưởng Lê Quân cho biết từ nay tới năm 2020, Bộ sẽ mạnh dạn giao quyền tự chủ cho nhiều trường, đặc biệt là những trường chất lượng cao được đầu tư.

“Giai đoạn vừa qua, Bộ đã triển khai việc sáp nhật 3-4 trường trung cấp thành 1 trường trọng điểm tại 8 tỉnh như Hà Giang, Đắc Lắc, Long An, Gia Lai…Đây là các tỉnh có nguồn ngân sách nhà nước ít, nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều. Trường hợp này không thể duy trì mỗi tỉnh có tới 3-4 trường trọng điểm được. Sắp tới, Bộ sẽ thực hiện tại Phú Thọ, Sơn La, Cà Mau…” - Thứ trưởng Lê Quân nói.

Ngoài ra, Bộ sẽ cân nhắc việc quy hoạch trường nghề ở khu vực trọng điểm kinh tế, nhu cầu nhân lực lớn. Theo đó, các trường sẽ có cơ hội được giao quyền tự chủ lớn hơn, giảm dần chi thường xuyên của nhà nước và các đầu mối để ưu tiên đầu tư.

Mục tiêu từ nay tới năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH kỳ vọng sẽ có khoảng 100 trường cao đẳng chất lượng cao. Tới năm 2030, con số các trường cao đẳng chất lượng cao sẽ là 200 trường. Bên cạnh đó, Bộ sẽ khuyến khích phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục tư thục.

Tăng vai trò của chính quyền địa phương thông qua việc tái cấu trúc

Theo Thứ trưởng Lê Quân: "Việc tái cấu trúc các trường trung cấp nghề sẽ do địa phương xây dựng đề án. Bộ LĐ-TB&XH sẽ ban hành các hướng dẫn, tiêu chí và định hướng. Điều này giúp việc hoạch định bám sát với thực tế và sau này sẽ rõ ràng: Chất lượng giáo dục nghề nghiệp của địa phương nào yếu thì trước hết là trách nhiệm của địa phương, còn nếu cơ chế vướng tại đâu thì đó sẽ là trách nhiệm của Bộ".

Hoàng Mạnh