Việt Nam - Australia: Đẩy mạnh 4 nội dung hợp tác về giáo dục nghề nghiệp
(Dân trí) - Trong chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (từ 14-18/3/2018), dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng phụ trách Giáo dục nghề nghiệp và Kỹ năng Australia Karen Andrews đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Trên cơ sở mục tiêu và nguyên tắc, Bản ghi nhớ đưa ra 4 lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa 2 bên.
Tăng cường hợp tác về chính sách, quản trị và kiểm định chất lượng
Theo đó, 2 bên chú trọng việc hợp tác thiết kế hệ thống và chính sách giáo dục nghề nghiệp, gồm: Các hoạt động có liên quan đến kiểm định chất lượng và quản trị tốt; Hợp tác xây dựng chính sách cho các cơ quan tư vấn nghề; bao gồm chia sẻ kinh nghiệm phát triển kỹ năng và tiêu chuẩn nghề; Chia sẻ thông tin về giáo dục nghề nghiệp cho những đối tượng có hoàn cảnh khác nhau về văn hóa và ngôn ngữ; bao gồm các kỹ năng về ngôn ngữ; Chia sẻ kinh nghiệm về việc cải thiện quan niệm về giá trị của giáo dục nghề nghiệp và nâng cao vị thế của giáo dục nghề nghiệp khi lựa chọn nghề nghiệp.
Phát triển năng lực của đội ngũ nhân sự có chất lượng và giáo trình
Theo đó, 2 bên chú trọng vào việc khuyến khích hợp tác nhằm tăng cường chất lượng giáo viên và đánh giá viên; Chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ làm việc trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Thúc đẩy xây dựng giáo trình đào tạo và tổ chức đào tạo.
Đánh giá về mục tiêu của Bản ghi nhớ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, 2 bên đều hy vọng tăng cường hợp tác thông qua các sự phối hợp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trên cơ sở có đi có lại và hai bên cùng có lợi. Việc hợp tác sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: Tăng cường hợp tác liên chính phủ thông qua tham vấn giữa hai bên nhằm thực hiện các hoạt động hai bên cùng quan tâm, bao gồm các hoạt động trên các diễn đàn đa phương; Chia sẻ kiến thức và kỹ năng thông qua các cuộc trao đổi như các cuộc họp, hội nghị, hội thảo chuyên đề và các hình thức hợp tác khác giữa các cơ sở liên quan...
Đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Trong thời gian tới, thông qua hợp tác, các bên kỳ vọng thúc đẩy liên kết chất lượng cao giữa các tổ chức đào tạo của Australia và các cơ sở đào tạo có chất lượng tại Việt Nam.
Cụ thể, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về quản lí các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và các nhà quản lí nhằm khuyến khích các cơ sở đào tạo của Việt Nam và Australia đối thoại thường xuyên.
Ngoài ra, 2 bên sẽ chia sẻ thông tin về hợp tác với doanh nghiệp; áp dụng các công nghệ giáo dục mới; các chính sách và quản trị cần thiết cho việc giáo dục từ xa, học trực tuyến hoặc kết hợp giữa học trực tuyến và đến lớp và quản lí các công nghệ đổi mới giáo dục.
Giao lưu, trao đổi sinh viên và giáo viên
Theo đó, 2 Bộ trưởng đồng ý sẽ thực hiện trong Bản ghi nhớ việc thúc đẩy công tác trao đổi sinh viên, giáo viên, nghiên cứu viên và các chương trình trao đổi khác, trên cơ sở đồng thuận chung của hai Bên.
Đồng thời, 2 bên tăng cường thúc đẩy các học bổng quốc tế do Chính phủ và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả hai bên. Ngoài ra, Bản ghi nhớ cũng khẳng định đối với các lĩnh vực hợp tác khác về giáo dục nghề nghiệp sẽ do hai bên cùng thống nhất.
Những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đang ngày càng phát triển với nhiều hình thức khác nhau và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Đơn cử như chương trình hợp tác chuyển giao 12 bộ chương trình giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) và Học viện Chisholm tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Qua đó, Việt Nam đã cử các đoàn cán bộ quản lý, giáo viên sang học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, kỹ năng sư phạm, ngoại ngữ... tại Australia.
Cả nước hiện có 25 trường cao đẳng được Học viện Chisholm công nhận đủ tiêu chuẩn về giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, hệ thống quản trị... cho phép đào tạo trên 800 sinh viên, chia thành 41 lớp học theo tiêu chuẩn của Australia. Sinh viên này khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng của Australia và bằng cao đẳng của Việt Nam.