1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cơ hội cho hàng ngàn lao động

Bình Minh

(Dân trí) - Thanh Hóa cơ bản khống chế được dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn không chỉ phục hồi sản xuất mà còn tiếp tục mở rộng quy mô, thị trường, kéo theo nhu cầu lao động rất lớn.

"Săn" lao động sau dịch

Dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp có những thời điểm buộc phải cắt giảm nhân sự, nghỉ luân phiên…

Theo ông Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với hơn 35.000 lao động, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất giày da, may mặc.

Nhiều doanh nghiệp nhu cầu tuyển dụng lớn lên đến hàng nghìn lao động như: Công ty giầy Alena Việt Nam (đóng trên địa bàn huyện Yên Định có nhu cầu tuyển 3.000 công nhân; Công ty TNHH giầy Adiana (Triệu Sơn) cần tuyển hơn 4.000 lao động…

Năm 2020, do dịch Covid-19, Công ty TNHH Giày Rollsport (Hồng Mỹ 1) ở Khu Công nghiệp Hoàng Long, phường Tào Xuyên (thành phố Thanh Hóa) phải cắt giảm lao động.

Sang năm 2021, các đơn hàng được phục hồi và tăng trở lại. Theo đó, nhu cầu nguồn lao động cũng tăng theo. Để bảo đảm cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh, công ty hiện có nhu cầu tuyển gần 3.000 công nhân.

Ngoài việc liên hệ mời lao động cũ quay trở lại làm việc, công ty còn tham gia các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm  Thanh Hóa. Bên cạnh đó, bộ phận nhân sự phải về các xã trên địa bàn tỉnh này phát tờ rơi, treo băng rôn tuyển lao động tại những nơi đông người qua lại…

Đóng tại Khu công nghiệp Lễ Môn (phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa), Công ty TNHH giày Sunjade Việt Nam mở rộng thêm chuyền, xây thêm xưởng nên nhu cầu tuyển dụng cũng rất lớn. Ngoài số lao động hiện có, công ty này cần tuyển thêm 2.000 công nhân.

Chị Nguyễn Thị Lan, Phó quản đốc của công ty cho biết, thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, công ty phải dừng việc tuyển dụng nhưng đến nay đã bắt đầu tuyển trở lại.

Nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cơ hội cho hàng ngàn lao động - 1

Nhiều doanh nghiệp không chỉ phục hồi sản xuất mà còn mở rộng quy mô nên nhu cầu tuyển dụng rất lớn.

Đi vào hoạt động vào tháng 5/2021 với 6.000 công nhân, sau khi dịch được kiểm soát, Công ty TNHH giầy Adiana Việt Nam (đóng tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn) đã mở rộng sản xuất và cần tuyển hơn 4.000 công nhân.

Theo chị Lê Thị Thanh, cán bộ Phòng nhân sự, trước đây tuyển lao động rất khó khăn nhưng thời điểm này, việc tìm kiếm công nhân dễ dàng hơn khi có nguồn nhân lực trở về từ vùng dịch.

"Chúng tôi phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Triệu Sơn, nhờ kết nối với xã, tuyên truyền bằng loa phát thanh về nhu cầu tuyển dụng. Doanh nghiệp thông tin rõ nhu cầu nhân sự với từng bộ phận để người lao động biết bản thân phù hợp với công việc ở bộ phận nào. Trung bình mỗi tháng công ty nhận 350-400 bộ hồ sơ. Đa số họ là những người trở về từ vùng dịch", chị Thanh cho biết.

Cũng theo chị Thanh, công nhân đến nộp hồ sơ sẽ để ở giỏ ngoài cổng, cuối ngày người của công ty sẽ lấy vào khử khuẩn, 14 ngày sau đó mới gọi người lao động đến phỏng vấn và đi làm. Trước khi lên chuyền sản xuất, công nhân sẽ được test Covid-19.

Lao động không lo thiếu việc làm

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Triệu Sơn, trên địa bàn có 6 doanh nghiệp FDI thì 4 công ty đang có nhu cầu tuyển dụng với số lượng khoảng 7.000 công nhân và có thể lên đến 17-18 nghìn công nhân trong năm 2022. Trong khi đó, địa phương này có hơn 9.000 lao động trở về từ vùng dịch, hơn 4.000 lao động trong số đó có nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cơ hội cho hàng ngàn lao động - 2

Nhu cầu tuyển dụng lao động lớn tập trung nhiều ở các doanh nghiệp may mặc, giày da.

"Chúng tôi rất yên tâm với số lao động trở về từ vùng dịch bởi nhu cầu tuyển dụng của các công ty trên địa bàn rất lớn. Tới đây, huyện sẽ có công văn thông báo cho toàn bộ 34 xã, thị trấn chỉ đạo tuyên truyền trên loa địa phương để người lao động nắm bắt, chủ động liên hệ việc làm", ông Hùng nói.

Còn theo ông Lê Đình Bốn, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Cống, do địa phương này vừa hoàn thành đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Chính phủ nên hiện mới có 2 doanh nghiệp báo cáo nhu cầu tuyển dụng với gần 2.000 lao động.

"Chúng tôi sẽ đấu mối với các huyện lân cận như Như Thanh, Triệu Sơn, thị xã Nghi Sơn để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các công ty trên địa bàn các huyện để có thông tin cho người dân tìm kiếm, nắm bắt cơ hội việc làm", ông Bốn cho biết thêm.