Tỷ lệ người lao động ở ĐBSCL được tiêm 2 mũi vắc xin rất thấp

Hoàng Tùng

(Dân trí) - Sau gần 3 tháng giãn cách xã hội, đến nay, nhiều tỉnh, thành ĐBSCL bắt đầu nới lỏng, doanh nghiệp tái khởi động. Lo nhất là hiện số người lao động đã được tiêm vắc xin 2 mũi ở miền Tây rất thấp.

Theo VCCI Cần Thơ, hiện số người lao động ở miền Tây đã được tiêm 2 mũi vắc xin còn rất thấp.

Bà Nguyễn Thị Thương Linh - Phó Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) Cần Thơ cho biết, số lượng người được tiêm vắc xin ở các tỉnh ĐBSCL còn rất ít. Cả 13 tỉnh, thành ĐBSCL chỉ có Long An là được phân bổ 1,57 triệu liều với tỷ lệ tiêm 1 mũi trên 100%, tỷ lệ bao phủ trên dân số (trên 18 tuổi ) là 68,8%.

Tiền Giang khả quan nhất, với 544 nghìn liều, tiêm từ 1 mũi đạt 27,8%, bao phủ được 20,6% dân số. Kế đến là Cần Thơ với 297 nghìn liều, và tỷ lệ tiêm từ 1 mũi đạt 32%, bao phủ 17,3%. Các địa phương còn lại, tỷ lệ bao phủ dưới 15%.

Theo bà Thương Linh, tỷ lệ người được tiêm ngừa Covid-19 thấp như vậy, sẽ rất khó khăn cho ĐBSCL nếu dịch bệnh tái bùng phát, cũng khó áp dụng những quy định mở cửa tới đây.

Bà Linh cũng cho biết: "Chúng tôi chưa có con số thống kê chính xác về số vắc xin đã tiêm cho người lao động. Tuy nhiên, qua khảo sát doanh nghiệp và thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL thì con số này là rất thấp".

Lãnh đạo VCCI Cần Thơ cảnh báo, nếu tình hình không được cải tiến, cũng như giải pháp tiêm vắc xin cho người lao động chậm trễ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Linh cũng lý giải, theo chính sách và quy định dự kiến, chỉ có những người có "thẻ xanh", tức người từng mắc Covid-19 đã khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có đủ thời gian tạo kháng thể, mới có thể tham gia sản xuất và tham gia các hoạt động cộng đồng.

Điều này chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp bị thiếu lực lượng lao động nghiêm trọng trong thời gian tới, cũng không loại trừ sự cạnh tranh lao động với những lao động đã tiêm vắc xin. Đây là một yếu tố nguy cơ gây xáo trộn thị trường lao động và tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, giải quyết vấn đề vắc xin là một bài toán khó đối với các địa phương vì việc phân bổ vắc xin là từ Trung ương.

"Tuy nhiên theo tôi, các địa phương cần mạnh dạn trong việc đề xuất và đưa ra các cơ sở thuyết phục để địa phương sớm được phân bổ vắc xin. Và khi có vắc xin thì địa phương cũng cần có chiến lược để ưu tiên nhóm doanh nghiệp, ngành hàng, căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế của địa phương để phân bổ.

Khuyến nghị của chúng tôi là cho phép người lao động đã tiêm từ 1 mũi sau 14 ngày được trở lại công ty để tạo thêm nguồn lao động cho doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Thương Linh nói thêm.