1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Rời miền "đất hứa", lao động nghèo về Đắk Lắk bươn chải mưu sinh

Thúy Diễm

(Dân trí) - TPHCM từng là "đất hứa" giúp hàng nghìn lao động thuộc nghèo, cận nghèo của tỉnh Đắk Lắk có công ăn việc làm. Dịch Covid-19 bùng phát, các lao động ngậm ngùi trở về quê và phải làm đủ nghề để bám trụ.

Trở về Đắk Lắk gần 2 tháng qua, bà Lê Thị Huệ (61 tuổi, ngụ thôn 12, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp) vẫn vất vả khi chưa tìm được công việc ổn định để mưu sinh.

Gia đình bà Lê Thị Huệ thuộc hộ nghèo. Trước đây, bà ở tận tỉnh Cà Mau và sau đó về Đắk Lắk sinh sống tại nhà con trai. Do gia đình khó khăn, không có đất đai sản xuất bà đã xuống TPHCM làm thuê tại một cơ sở sản xuất ba lô.

Rời miền đất hứa, lao động nghèo về Đắk Lắk bươn chải mưu sinh - 1

Lao động từ vùng dịch trở về Đắk Lắk làm nhiều nghề để mưu sinh.

Có việc làm mang lại thu nhập ổn định, bà Huệ từng rất phấn khởi khi đã tự lo cho cuộc sống và không phải phụ thuộc con cái. Dịch Covid-19 ập đến bất ngờ, công việc buộc tạm ngưng, bà Huệ đành quay về huyện Ea Súp ở tạm nhà của con trai.

"Gia đình tôi không có ruộng nương, để kiếm tiền ăn qua ngày chỉ biết xin đi làm thuê phát cỏ, nhổ mì… cho người dân trong vùng. Nay khó khăn nhiều lắm chỉ mong hết dịch có thể quay về TPHCM để tiếp tục công việc", bà Lê Thị Huệ chia sẻ.

Còn đối với chị Lương Thị Thúy (37 tuổi, ngụ xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) do gia đình cũng thuộc hộ nghèo của xã, rất khó khăn để nuôi 3 người con ăn học nên chị đã xuống TP Thủ Đức (TPHCM) để làm công nhân xưởng gỗ.

Rời miền đất hứa, lao động nghèo về Đắk Lắk bươn chải mưu sinh - 2

Việc kiếm được công việc ổn định rất khó trong thời gian dịch bệnh kéo dài.

Làm công việc được vài tháng, dịch Covid-19 buộc chị phải tạm ngưng công việc và sống một mình ở nhà trọ. Tiền bạc cạn kiệt, chị Lương Thị Thúy không có điều kiện để về quê nên từng rất bi quan về cuộc sống. May mắn sau đó chị Lương Thị Thúy được tỉnh hỗ trợ đón về quê nhà theo nguyện vọng.

"Về quê tôi hoàn thành cách ly y tế và cách ly tại nhà hết 28 ngày, cuộc sống gia đình giờ khó khăn nhiều lắm. Về đây tôi xin đi làm đủ thứ để sống tạm, chờ tới mùa cà phê sẽ xin đi hái thuê", chị Lương Thị Thúy nói thêm.

Rời miền đất hứa, lao động nghèo về Đắk Lắk bươn chải mưu sinh - 3

Nhiều lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm để được kết nối, tìm công việc phù hợp.

Rất nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo về Đắk Lắk xin đi làm thuê ở nương rẫy, người buôn bán online, nhiều người xin phụ buôn bán… Tuy nhiên do dịch cũng bùng phát tại địa phương khiến công việc bị gián đoạn, thu nhập và đời sống bấp bênh gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk) - qua thống kê của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh có trên 4.000 lao động đã trở về từ vùng dịch trở về Đắk Lắk có nhu cầu việc làm.

Bà Trần Thị Minh Lý thông tin thêm, trong số này có hơn 57% có nhu cầu mong muốn quay trở lại các tỉnh, thành phía Nam để tiếp tục làm việc sau khi tình dịch được kiểm soát; khoảng 40% còn lại có lao động khác tìm việc mới, có nhu cầu được đào tạo nghề, tham gia xuất khẩu lao động…

"Sở đang trong quá trình xây dựng phương án giải quyết việc làm cho lao động vùng dịch về địa phương và xin ý kiến các Sở, ngành để trình tỉnh phê duyệt để sớm triển khai đến người lao động", bà Trần Thị Minh Lý cho hay.