Nhân viên ngành "hái ra tiền" xịt chỉ tiêu có bị cắt thưởng Tết?
(Dân trí) - Năm 2022, lao động nhiều ngành dịch vụ gặp khó khăn, doanh số bán hàng giảm mạnh nên họ lo lắng sẽ bị cắt tiền thưởng Tết.
Vinh là quản lý nhóm sales bất động sản của một tập đoàn khá lớn, thị trường chủ yếu tại tỉnh Long An với phân khúc đất nền. Đỡ hơn TPHCM, thị trường Long An vẫn còn bán hàng được nhưng so với năm 2021 thì rất kém, hầu như không ai trong nhóm của Vinh đạt chỉ tiêu kinh doanh năm 2022.
"Công ty khó khăn nên ưu tiên trả trợ cấp cho sales, còn lương quản lý như tôi thì nợ triền miên. Đến đầu tháng 1/2023, tôi mới "đòi" được 2 tháng lương 11 và 12 năm 2022, được gần 25 triệu đồng để sắm Tết. Năm ngoái, tôi được thưởng gần 60 triệu đồng. Năm nay, tôi không đạt chỉ tiêu nên không biết có bị cắt tiền thưởng Tết hay không nữa?", anh Vinh lo lắng.
Theo Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng Tết phụ thuộc chủ yếu vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, pháp luật không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết.
Cụ thể, Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định: "Thưởng là số tiền, tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động".
Khoản 2 Điều 104 cũng nêu rõ: "Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở".
Căn cứ vào quy định trên, rõ ràng pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết cho nhân viên. Nếu có, khoản thưởng này cũng căn cứ vào 2 yếu tố quan trọng là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Do đó, khi doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả và người lao động làm việc không đạt chỉ tiêu đều ảnh hưởng lớn đến khoản tiền thưởng Tết.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có. Thống kê cho thấy, tiền thưởng Tết năm nay tăng 11% so với 2022 (bình quân là 6,86 triệu đồng/người).
Mỗi doanh nghiệp có quy chế thưởng riêng, có nơi căn cứ vào năng suất làm việc của người lao động, có nơi căn cứ vào thâm niên… Doanh nghiệp được quyền quyết định quy chế thưởng sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải công khai và tuân thủ quy chế này.
Nếu người sử dụng lao động không công khai quy chế thưởng tại nơi làm việc trước khi thực hiện sẽ bị phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người sử dụng lao động là cá nhân khi vi phạm bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Người sử dụng lao động là tổ chức khi vi phạm thì sẽ bị phạt 10 đến 20 triệu đồng.
Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng TẠI ĐÂY.