Người phụ nữ châu Âu mưu sinh bằng nghề bán dạo tại TPHCM
(Dân trí) - Sau 1 tháng hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, Irina Khmilnikova (quốc tịch Belarus) bất ngờ bị mất việc do dịch Covid-19. Hơn 1 năm qua, cô đã đi bán dạo ở TPHCM để mưu sinh.
Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một người phụ nữ nước ngoài đi bộ bán bánh mưu sinh ở TPHCM. Người phụ nữ này được mọi người khá yêu thích vì luôn nở nụ cười thật tươi, đi chào hàng khắp nơi.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chị tên là Irina Khmilnikova (47 tuổi) quốc tịch Belarus. Irina Khmilnikova đến Việt Nam từ đầu năm 2020 với ý định gắn bó lâu dài tại đây.
Mưu sinh giữa mùa dịch Covid-19
Cơ duyên người phụ nữ Belarus biết đến Việt Nam, thông qua một chuyến du lịch kéo dài 20 ngày vào cuối năm 2019. Chị Irina Khmilnikova đã được đi đến và thăm quan các tỉnh như Đà Lạt, TPHCM và các vùng quê. Từ đó, chị cảm mến và yêu thích con người và đất nước hình chữ "S" này.
"Vào tháng 2/2020, sau khi hoàn tất các thủ tục và giấy tờ ở quê hương Belarus, tôi quyết định sang Việt Nam để sinh sống. Tôi xin được một công việc trong ngành du lịch, đưa ra các tour cho du khách Nga. Mới làm được khoảng 1 tháng thì bùng phát dịch Covid-19 nên tôi bị mất việc vì không có du khách", chị Irina Khmilnikova cho biết.
Để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, người phụ nữ 47 tuổi quyết định đi bộ xung quanh khu vực đang tạm trú để bán bánh ngọt.
Vì chị Irina Khmilnikova không biết tiếng Việt hay tiếng Anh, chỉ có thể nói được tiếng Nga và Belarus nên chủ yếu mời gọi người dân mua bánh bằng cử chỉ.
"Vì bản thân tôi không biết quá nhiều ngoại ngữ nên chỉ có thể mang bánh để bán dạo chứ không thể làm việc trong cửa hàng cố định. Điều khó khăn nhất mà tôi gặp phải khi đi bán bánh dạo đó chính là thời tiết tại TPHCM rất nóng. Điều này ảnh hưởng đến mọi người, thậm chí đến những người ngồi trong nhà khiến việc mời họ mua bánh khó khăn hơn", chị Irina Khmilnikova tâm sự.
Người phụ nữ này cho biết thêm, công việc trước kia của chị tại quê nhà Belarus là bán các mặt hàng tiêu dùng như: Cà phê, xà bông, quần áo... nên bản thân khi đi bán bánh dạo cũng có kinh nghiệm và không gặp quá nhiều khó khăn ban đầu.
"Tôi đã làm nhân viên bán hàng được gần 20 năm nay và có một cửa hàng nhỏ ở quê nhà, thu nhập tại đó thì vừa đủ giúp tôi chăm lo cho các con và thỉnh thoảng có 1 chuyến du lịch ngắn hạn. Sau khi quyết định ở lại Việt Nam, tôi bắt đầu mọi thứ lại từ đầu, vừa xin được công việc trong ngành du lịch thì dịch Covid-19 bùng phát, điều này khiến tôi thất nghiệp.
May mắn là chị có một người bạn ở Nha Trang. Cả hai đã cùng nhau lập ra một thương hiệu bánh để có thể kiếm tiền và tạo việc làm cho người Nga, Belarus và Ukraine đang bị mắc kẹt tại đây.
Đa số bạn bè của Irina Khmilnikova đều ở Nha Trang, chỉ có một mình chị ở TPHCM nên mỗi tuần cô sẽ nhận bánh qua đường bưu điện rồi đi bán dạo, số tiền lời kiếm được bà dùng để trả tiền nhà và các chi phí khác.
Tình yêu Việt Nam từ công việc đơn thuần
Mỗi tuần từ thứ 2 đến thứ 7, vào lúc 7h mỗi ngày, Irina Khmilnikova sẽ xách thùng xốp có chứa những hộp bánh ngọt rời khỏi căn nhà thuê và bắt đầu đi bán đến 11h trưa thì về nghỉ ngơi. Và buổi chiều bắt đầu từ 15h, chị sẽ bán đến chiều tối, đến khi không còn phần bánh nào trong thùng xốp thì sẽ về.
Các loại bánh mà Irina Khmilnikova đang bán bao gồm: Socola đôi, bánh cacao, bánh mật ong, bánh kem xốp, socola phô mai với giá từ 25.000 - 35.000 đồng một phần. Tên bánh và giá bán được viết bằng tiếng Việt và dán trên thùng xốp để tiện cho việc buôn bán.
Đến ngày chủ nhật, người phụ nữ 47 tuổi này sẽ dành thời gian cho bản thân. Cô sẽ đi khám phá và làm quen với văn hóa bản địa. Cũng vì tình yêu dành cho Việt Nam nên chị thường hay đi đến những di tích, kiến trúc cổ, công viên tại TPHCM để tìm hiểu thêm về lịch sử, đất nước con người tại đây. Từ đó người phụ nữ Belarus này yêu thêm về con người, đất nước Việt Nam.
"Việt Nam và Châu Âu có nhiều sự khác biệt về văn hóa. Phần lớn người dân ở đất nước tôi thường rất nóng tính. Vì vậy, tôi cảm thấy tâm hồn thuộc về Việt Nam hơn vì người dân ở đây từ các bạn trẻ đến những người lớn tuổi đều luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi. Tôi biết ơn vì điều đó", Irina Khmilnikova tâm sự.
Chị Irina Khmilnikova đang tự học thêm tiếng Việt và tiếng Anh để có thể giao tiếp với những khách hàng. Chưa dừng lại, chị đang tự tìm hiểu văn hóa, lịch sử của Việt Nam để chuẩn bị chờ ngành du lịch phục hồi để có thể tiếp tục công việc dẫn tour yêu thích của mình.