Hà Nội: Lão nông 55 tuổi đam mê cá chọi, thu hàng trăm triệu đồng/năm
(Dân trí) - "Cách đây gần 20 năm, từ đam mê, tôi dùng mảnh đất giữa làng Ngọc Hà (Hà Nội) để nuôi cá cảnh. Nhiều người bảo tôi bị điên khi giá cho thuê đất đã đủ nuôi cả gia đình" - ông Trần Ngọc Thắng nhớ lại.
Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Trại nuôi cá cảnh của ông Trần Ngọc Thắng, nằm sâu trong một con ngõ thuộc phường Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội). Với nhiều người dân chơi cá cảnh ở Hà Nội, đặc biệt là cá Lia Thia (cá chọi) và bảy màu thì trại cá của ông không còn xa lạ vì đây là địa chỉ họ thường xuyên đến mua bán, tham quan.
Trong khuôn viên trang trại, ông Trần Ngọc Thắng xếp các bể cá làm nhiều tầng với tổng cộng hàng trăm bể lớn nhỏ khác nhau. Điều ấn tượng và thu hút nhất đối với khách tới đây là trong các bể cá của gia đình ông có đủ loại cá với các màu sắc rực rỡ xanh, đỏ, vàng, cam, trắng…
Để xây dựng được trang trại nuôi cá cảnh như hiện nay, ông phải dành nhiều tâm huyết và thời gian. Lúc đầu nuôi để chơi, rồi thấy có giá trị kinh tế cao, ông đã chuyển sang nuôi kinh doanh.
Ông Trần Ngọc Thắng kể: "Cách đây gần 20 năm, xuất phát từ đam mê, tôi sử dụng mảnh đất này để nuôi cá cảnh. Nhiều người bảo, tôi bị điên khi giá cho thuê đất ở đây hồi ấy đã đủ nuôi cả gia đình".
Những loại cá ông Trần Ngọc Thắng nuôi, chỉ bé bằng ngón tay, giá giao động từ 10.000 - 500.000 đồng/con. Ông Trần Ngọc Thắng cho rằng, các giống cá đang nuôi ở trại đều sinh sản và phát triển tốt với khí hậu Việt Nam. Thức ăn dành cho cá được ông chủ yếu dùng cám và những vi sinh vật vớt ở các ao hồ gần nhà.
Cá của ông Trần Ngọc Thắng, được các thương lái, cửa hàng cá cảnh ở nhiều nơi như Hải Phòng, Quảng Ninh và thị trường Hà Nội tiêu thụ. Nhiều người chơi, tìm đến tận nhà ông để mua cho mình những chú cá ưng ý.
Mỗi năm, trại cá của ông Trần Ngọc Thắng xuất ra thị trường hàng nghìn con cá, nhưng cá lớn không kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trừ chi phí, ông Trần Ngọc Thắng thu lời vài trăm triệu đồng.
"Nhiều giống cá đẹp, có màu sắc đột biến, khách chơi phải đặt hàng tôi trước từ 3 - 6 tháng mới có hàng. Có đợt, khách chờ cả nửa năm nhưng tôi phải xin lỗi khách vì cá bị tật, lỗi không đạt chất lượng để bán" - ông Trần Ngọc Thắng thổ lộ.
Nông dân giữa thành phố
Theo ông Trần Ngọc Thắng, nghề nuôi cá cảnh không mấy nặng nhọc, nhưng đòi hỏi người nuôi phải thường xuyên theo dõi tỉ mỉ sự tăng trưởng, thay đổi của đàn cá, quan sát màu nước, đến việc chăm sóc, cho cá ăn.
"Gần 20 năm qua, hôm nào tôi cũng dậy từ hơn 5 giờ sáng cho cá ăn, rồi thay nước, vớt cá con, ấp trứng cá. Xong hết việc, tôi về nhà trời cũng tối mịt. Nhiều hôm trái gió hay trở trời, tôi phải thức cả đêm túc trực bơm nước và bổ sung oxy, nếu không thì cá chết sạch. Nhiều người trông thấy còn bảo tôi là nông dân mới lên thành phố" - ông Trần Ngọc Thắng nói.
Theo ông Trần Ngọc Thắng, để đáp ứng được nhu cầu chơi không ngừng thay đổi của khách hàng, người nhân giống cũng phải không ngừng học hỏi để ngày càng đưa ra thị trường những con cá có vẻ đẹp và màu sắc lạ.
Ông cho rằng, một con cá đẹp phụ thuộc vào 50% vào con giống bố mẹ, còn lại là do người nuôi. Cho nên, để cho ra đời những con cá đẹp, ông luôn tìm tòi học hỏi cách chọn con giống, phối giống, nâng cao kỹ thuật nuôi để đáp ứng thị trường.
Công việc nhiều, ông Trần Ngọc Thắng hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Khách thăm quan, mua hàng đến ông vẫn không ngừng vừa làm việc, vừa giới thiệu và hướng dẫn khách cách chăm sóc cá.
Bận rộn là thế, nhưng với người đàn ông đã 55 tuổi này, việc được chăm sóc cá lại là niềm vui và là nguồn đem lại thu nhập chính cho gia đình suốt hàng chục năm qua.
Tuy có kinh nghiệm trong nghề, nhưng cũng không ít lần, ông Trần Ngọc Thắng thất bại khi cá tự nhiên lăn đùng ra chết hay nhân giống nuôi, nấng cả năm trời nhưng con cá đời sau bị biến dạng, chất lượng không bằng cá bố mẹ khiến ông trăn trở cả đêm mất ngủ.
Ông Trần Ngọc Thắng tâm sự: "Có lần, cả bể cá được khách đặt hàng lăn đùng ra chết hết vì thiếu oxy. Cũng có lần lứa cá tâm huyết nuôi nửa năm trời không đạt chất lượng như mong muốn. Mỗi lần như thế, tôi ăn không ngon, ngủ không yên".
Cũng theo ông Trần Ngọc Thắng, bí quyết duy nhất cho nghề nuôi cá cảnh này là phải thật sự chịu khó theo dõi, chăm sóc cá từng chút một, chỉ cần lơ đãng là công sức đổ sông, đổ bể. Với xu hướng ngày một phát triển của thị trường, dự định trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Thắng sẽ thuê một khu đất rộng ở ngoại ô để phát triển nghề nuôi cá cảnh của mình.