Người lính gần 30 năm lái tàu chữa cháy trên sông
(Dân trí) - Theo Thiếu tá Nguyễn Xuân Bình, lái tàu cứu hỏa đòi hỏi người chiến sĩ phải nắm rõ địa hình kênh, rạch tại địa bàn. Cùng với đó, sự tỉnh táo khi lái tàu để chân vịt không vướng phải bèo, rác...
TPHCM có hệ thống sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc với mật độ 3,38 km trên mỗi km2. Vì vậy việc phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên các hệ thống sông của thành phố là một nhiệm vụ khó khăn, vất vả của Đội Phòng Cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trên sông.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Bình gia nhập lực lượng PCCC & CNCH trên sông từ năm 1991. Anh Bình là cán bộ lái tàu của Đội PCCC & CNCH trên sông, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an TPHCM).
Với 29 năm trong nghề lái tàu chữa cháy, mọi buồn vui trong nghề anh đều đã trải qua. Càng gian khó, anh càng cảm thấy yêu nghề và trân trọng công việc mình theo đuổi.
Anh Bình cho biết, những chiến sĩ cứu nạn trên sông phải sử dụng ca nô, xuồng cao tốc đến hiện trường vụ cháy. Đây là điểm khác biệt so với việc chữa cháy trên cạn thông thường. Vì vậy, anh em tại Đội PCCC & CNCH trên sông đều được đào tạo thuần thục sử dụng các phương tiện trên sông.
“Khó khăn nhất trong quá trình công tác là phải phụ thuộc vào dòng chảy của nước, thủy triều. Đa số các vụ cháy trên sông xảy ra vào ban đêm nên tầm nhìn bị hạn chế nên gây ảnh hưởng khi di chuyển từ bến đến địa điểm cháy”, Thiếu tá Bình tâm sự.
Cũng theo anh Bình, khi các phương tiện chuyên dụng trên cạn đến điểm cháy thì sẽ đậu xe cố định rồi triển khai chữa cháy. Khác với hình thức trên, các phương tiện chữa cháy trên sông không thể đậu thuyền cố định mà chỉ có thể điều khiển phương tiện di chuyển xung quanh gần đám cháy để thực hiện nhiệm vụ.
“Thường thường lục bình ở thượng nguồn trôi về gây khó khăn cho xuồng, ca nô di chuyển. Đặc biệt, các phương tiện thường bị rác quấn vào chân vịt của ca nô, xuồng cao tốc làm cho phương tiện không thể nào di chuyển tiếp được”, Thiếu tá Bình nói.
Cũng theo anh Bình, lợi thế của đội trên sông là có nguồn nước để dập lửa. Tuy vậy, để lấy nước từ dưới sông lên đều phải dùng máy bơm công suất lớn. Người chiến sĩ phải trụ thật vững trên xuồng và phải khéo léo không để nước tràn vào tàu khiến tàu bị lật.
Mặc dù đã chinh chiến với “giặc lửa” rất nhiều lần nhưng chỉ duy nhất một vụ cháy xảy ra ở đoạn sông gần cầu Nhị Thiên Đường (quận 8, TPHCM) là ấn tượng sâu sắc nhất đối với anh.
“Sau khi chữa cháy xong, đang thu dọn phương tiện để về thì bà con đứng hai bên sông ở kênh Tàu Hủ hoan hô mình và cả đội. Điều đó làm cho riêng bản thân cảm thấy xúc động và khó tả vì mình được người dân yêu, dân quý”, anh Bình nhớ lại.
Sắp tới, anh Bình sẽ về hưu, chia tay công việc đầy khổ cực nhưng cũng lắm vinh quang này để dành thời gian chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Anh cho biết, đây là một quyết định khó khăn vì anh đã dành cả thanh xuân gắn bó với công việc.
Trước khi về hưu, anh sẽ truyền lại ngọn lửa yêu nghề và kinh nghiệm của bản thân cho lứa chiến sĩ trẻ mới vào đơn vị.
Mong muốn của anh Bình là những lớp chiến sĩ trẻ cũng sẽ có được niềm đam mê với công việc này. Không sợ khó, không ngại khổ chiến đấu với “giặc lửa” để có thể bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Thiếu tá Huỳnh Anh Kiệt, Phó đội trưởng đội Cảnh sát PCCC & CNCH trên sông, phòng cảnh sát PCCC & CNCH, Công an TPHCM cho biết đơn bị thường xuyên đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy cho chiến sĩ. Công tác đào tạo các chiến sĩ trẻ cũng luôn được tập trung.
"Đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra kỹ năng chuyên môn của các cán bộ, chiến sĩ cũng như tổ chức các buổi huấn luyện lặn. Mục đích nhằm giúp cán bộ và chiến sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong tuyến địa bàn đường thủy của thành phố. Cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Thiếu tá Huỳnh Anh Kiệt nhấn mạnh.