Chuyện về những người lính mong cả đời... "thất nghiệp"
(Dân trí) - Từ nhỏ, đại úy Nguyễn Hoàng Việt đã mong trở thành một chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Khi ước mơ thành sự thật, đại úy Việt lại mong công việc của mình luôn..."thất nghiệp".
Những anh hùng trong "biển lửa"
Công việc phòng cháy, chữa cháy là công việc hết sức nguy hiểm, đòi hỏi sự dũng cảm gan dạ. Người chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy luôn có trách nhiệm xông pha vào "biển lửa" để cứu người và bảo vệ tài sản nhân dân. Dù vậy, nhiều chiến sĩ trẻ vẫn ngày đêm hăng say với công việc của mình.
Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi có dịp gặp gỡ trung sĩ Võ Châu Tuấn Minh (sinh năm 1995). Minh hiện là chiến sĩ chữa cháy khu vực 1, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CHCN, Công an TPHCM).
“Từ nhỏ, hình ảnh các chiến sĩ lao vào đám lửa khiến tôi rất ngưỡng mộ. Tôi cảm phục sự dũng cảm của các chiến sĩ. Do vậy, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tôi đăng ký tham gia nghĩa vụ công an. Hiện tôi được phân công công tác tại phòng cảnh sát PCCC & CHCN”, Minh chia sẻ.
Sau quá trình công tác, Minh hiểu hơn về công tác phòng cháy, chữa cháy. Anh cũng nhận ra trách nhiệm và nghĩa vụ vừa nặng nề, vừa cao cả mình đang gánh vác.
“Lần đầu tiên tham gia nhiệm vụ chữa cháy tôi khá lo lắng, hồi hộp. Khi vừa đặt chân tới hiện trường thì xung quanh toàn lửa, khói đen và nhiều người tỏ ra hỗn loạn. Tuy vậy, bản lĩnh của một chiến sĩ chữa cháy giúp tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và tham gia chữa cháy. Đám cháy nhanh chóng được dập tắt", Trung sĩ Minh nhớ lại.
Từ khi tham gia công tác tại đơn vị đến nay, chiến sĩ Minh đã tham gia chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cho 10 trường hợp. Trong đó, vụ cháy xảy ra vào ngày lễ 30/4 tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM) khiến Minh khó quên.
“Lần đầu tiên mà tôi được chứng kiến một vụ cháy lớn như vậy. Đường từ chỗ đậu xe chữa cháy đến điểm cháy thì rất nguy hiểm. Chúng tôi phải đi qua những bồn đựng các dung dịch axit. Trong quá trình chữa cháy thì có nhiều máy móc bị lửa làm hư hại dẫn đến đổ dầu và axit gây bỏng cho các anh, em trong khi đang chữa cháy. Đó là vụ cháy khiến bản thân tôi có lẽ không bao giờ quên được”, Minh kể lại.
Ngoài những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ trẻ như Minh còn phải đối mặt với thử thách là nỗi nhớ về gia đình. Đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Nếu không có đồng đội, anh em những nỗi buồn đó sẽ khó phai nhạt.
Bản thân Minh là một chiến sĩ nghĩa vụ nên thời gian gắn bó với công việc yêu thích của mình không nhiều. Vì vậy, sau mỗi giờ huấn luyện thì anh lại đọc sách, bổ sung thêm trình độ kiến thức cho bản thân mình để tiếp tục nghèo nghề lính chữa cháy chuyên nghiệp.
Mong muốn duy nhất là mãi “thất nghiệp”
Sau 12 năm gắn bó với công việc chữa cháy, Đại úy Nguyễn Hoàng Việt (sinh năm 1988) cho biết người chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy cần nhất là lòng dũng cảm và yêu nghề. Theo Đại úy Việt, kiến thức, sức khỏe có thể rèn luyện. Nếu không có lòng dũng cảm sẽ không bao giờ dám đương đầu với nguy hiểm.
“Đầu tiên phải có sức khỏe, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm với công việc. Thường xuyên học tập, trau dồi thêm kinh nghiệm từ đàn anh đi trước. Nghề này đặc thù là không có trường hợp nào giống nhau. Học lý thuyết là một phần nhưng khi ra tới hiện trường thì sẽ phát sinh những yếu tố bất ngờ nên những kinh nghiệm của đàn anh đi trước cực kì quan trọng đối với nghề này”, Đại úy Việt tâm sự.
Theo anh Việt, lực lượng Cảnh sát PCCC & CHCN thường được ví như là những chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng, nhưng đầy vinh quang. Khi có đám cháy, mọi người chạy ra thì các chiến sĩ phải lao vào chiến đấu với "giặc lửa".
Trải qua khoảng thời gian gắn bó với công việc này, anh Việt đã xem cơ quan như là ngôi nhà thứ hai của mình. Trong những dịp lễ, Tết khi toàn đơn vị phải trực để đảm bảo an toàn cho nhân dân, anh vẫn vui vẻ chấp nhận.
Đồng thời cũng động viên các chiến sĩ trẻ mới vào đơn vị, giúp họ vơi đi phần nào nỗi buồn và nhớ gia đình.
Hơn một thập kỷ công tác, Đại úy Nguyễn Hoàng Việt chỉ có một mơ ước duy nhất là mãi “thất nghiệp”. Anh Việt cho biết, khi có cháy xảy ra thì sẽ có tổn thất về tài sản hoặc tính mạng của nhân dân.
"Để chúng tôi được thất nghiệp thì các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp hãy đảm bảo an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy. Nếu phòng cháy tốt, sẽ hạn chế tối đa được các vụ hỏa hoạn", Đại úy Việt nhấn mạnh.