Người dân xứ Quảng hối hả làm bánh như hoa mai, gợi nhớ vị quê nhà đầm ấm
(Dân trí) - Dịp Tết, người dân Quảng Nam thường chọn bánh thuẫn, trước để cúng gia tiên, sau là đãi khách. Bánh thuẫn có hình dáng giống bông mai vàng, biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng.
Bánh thuẫn là một trong những món quà đặc sản truyền thống của người dân Quảng Nam. Trong dịp Tết cổ truyền, loại bánh này được sản xuất và tiêu thụ với số lượng lớn.
Cận Tết Ất Tỵ, các lò bánh thuẫn truyền thống tại phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, lại tất bật đỏ lửa, năng suất tăng 4-5 lần ngày thường để kịp cung ứng nhu cầu thị trường.
Tại cơ sở bánh thuẫn của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (phường Vĩnh Điện) những ngày này rất rộn ràng, hối hả. Để phục vụ thị trường dịp Tết năm nay, cơ sở dự tính cung ứng gần một tấn bánh.
"Cả 3 chiếc bếp nướng phải hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm để phục vụ khách hàng. Ngoài nhận đặt hàng qua điện thoại, tôi còn bán bánh qua mạng xã hội để quảng bá đến khách hàng gần xa", chị Thủy chia sẻ.
Theo chị Thủy, lò bánh thuẫn của gia đình hoạt động quanh năm, nhưng tất bật nhất vẫn là dịp cận Tết. Bánh được bán theo ký, mỗi ký có giá 70.000 đồng. Cung cấp cho khách hàng trong tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng…
Ông Trần Thế Chín (64 tuổi, phường Vĩnh Điện) có hơn nửa đời người gắn bó với nghề làm bánh thuẫn.
Theo ông Chín, để có bánh thuẫn ngon, ngoài bột gạo, bột nếp, trứng, sữa còn có thêm gừng giã nhuyễn, nước cốt chanh để bánh dễ nở. Trứng và bột đánh càng mạnh tay, đều, đến độ có bọt nổi lên bánh càng ngon và thơm.
Khuôn bánh được làm bằng gang hoặc đồng, mỗi khuôn có từ 6 bánh trở lên. Tất cả khuôn đều được xoa dầu phộng bên trong. Khi các khuôn nóng, thợ làm bánh bắt đầu dùng muôi (vá) rót bột vào khuôn cho vừa đủ và đều khắp, xong đậy nắp vung lại.
Trên nắp bỏ nhiều than lửa, chờ 5-7 phút sau, tháo nắp vung ra, thấy bánh nở cao gấp đôi khuôn và ngả vàng là bánh đã chín, lấy cây dài xâu vào bánh lấy ra là được. Vị bánh xốp mềm, ngọt bùi, thơm phức, gợi lên hương vị quê nhà đầm ấm.
"Từ vài năm trở lại đây, loại bánh đặc sản quê ngày càng được ưa chuộng, nên dịp cận Tết các cơ sở cũng rộn ràng hơn. Dù lớn tuổi rồi tôi vẫn cố giữ nghề, để mỗi Tết đến lại nghe hương thơm phức từ chiếc bánh thuẫn truyền thống quê hương", ông Chín nói.
Trong những ngày giáp Tết, đi bất cứ con đường quê nào ở xứ Quảng, bạn đều sẽ được ngửi hương thơm phức của bánh thuẫn. Nhiều người dân lớn tuổi quê xứ Quảng không ai không biết loại bánh này. Và cứ đến Tết, nhiều vùng quê đi đâu cũng nghe dậy mùi bánh thuẫn truyền thống.
Ngoài món bánh để cúng ông bà trong ngày Tết, bánh thuẫn được yêu thích vì có mùi thơm dịu, lại không quá ngọt như các loại bánh mứt khác. Với nhiều người, mùi bánh thuẫn đã đánh thức ký ức về những cái Tết xưa nghèo khó nhưng ấm cúng.