Thực đơn đặt hàng dài cả mét ở làng nấu tiệc
(Dân trí) - Làng nghề chuyên nấu đám tiệc ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, những ngày này đơn đặt hàng liên tục đổ về. Hơn 1.000 đầu bếp ở làng luôn đỏ lửa để phục vụ khách những ngày cận Tết.
Những ngày cận Tết Ất Tỵ, cơ sở của bà Nguyễn Thị Quý, thôn Châu Lâu, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, tiếp nhận hàng chục cuộc gọi đặt mâm cỗ. Sau khi tư vấn cho khách, bà Quý chốt đơn, ghi lại số mâm, thực đơn cùng thời gian, địa chỉ giao nhận trên một tấm bảng lớn.
Bà Quý nấu ăn ngon có tiếng nên thường được nhiều gia đình trong làng thuê nấu cỗ.
Thôn Châu Lâu có số cơ sở làm dịch vụ nấu cỗ nhiều nhất xã với 50 hộ. Cơ sở quy mô lớn như nhà bà Quý có thể phục vụ 2.500-3.000 mâm cỗ mỗi ngày.
Hơn 15 năm trước, ngoài công việc giáo viên, vợ chồng bà Quý còn nhận nấu tiệc khi thấy nhu cầu đặt cỗ khá lớn, nhất là các đám hiếu hỉ, tân gia…
Bà Quý cho biết, trước đây nấu theo kiểu quê, bày biện chưa bắt mắt, ít khách hàng nên bà chủ động "tầm sư học đạo" nhiều nơi. Khi thành thạo, bà mở rộng cơ sở, thuê thêm người về hỗ trợ.
Tiếng lành đồn xa, dịch vụ nấu cỗ của bà Quý hiện mở rộng ra Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế.
Ngoài nấu cỗ, vợ chồng bà còn kết hợp mở dịch vụ cho thuê rạp, bàn ghế, loa đài. Từ hai bàn tay trắng, đến nay bà Quý sở hữu 4 xe tải, 7 nhà kho hơn 3.000m2 với vốn đầu tư nhiều tỷ đồng.
Cơ sở của vợ chồng bà Quý còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương, tùy theo công việc nặng nhẹ, mức lương trung bình 7-10 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, dịp cuối năm, cơ sở còn phải tuyển thêm lao động thời vụ để kịp đơn hàng.
"Trong làng không có chuyện cạnh tranh hay giành khách. Mỗi cơ sở có thực đơn riêng. Ai nấu ngon, phục vụ chuyên nghiệp, giá cả phải chăng thì người ta biết đến", bà Quý chia sẻ.
Ông Trương Văn Thông, chủ cơ sở ẩm thực Bông Hương, xoay liên tục với các cuộc gọi đặt tiệc từ khách.
"Bận quá không kịp thở luôn. Từ ngày 2 tháng Chạp tới giờ, vợ chồng và mấy chục lao động làm cho tôi gần như ngủ chỉ vài tiếng mỗi ngày", ông Thông chia sẻ sau những ngày dài phục vụ đám tiệc.
Trước hàng cột trong nhà, vợ chồng ông lấy bìa giấy cứng nối dài cả mét, ghi chi chít thực đơn, địa chỉ của khách đặt rồi dán lên trụ tường ở gần vị trí ra vào cho nhân viên cùng biết để nấu.
Ai thấy cũng bật cười với tấm đơn hàng chi chít chữ. Nhưng chừng ấy đơn mới chỉ là khách đặt trong một ngày.
Từ ngoài sân đi vào dãy nhà phía sau đâu đâu cũng thấy rau, củ, quả, xoong, nồi. Phía trước cổng hàng chục bình gas công nghiệp được chất đống chờ người tới bơm…
Theo ông Mai Phước Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Thọ, hiện nay, xã có 270 hộ theo nghề nấu tiệc, trong đó có gần 20 hộ làm dịch vụ quy mô lớn kiêm tổ chức sự kiện.
Nấu cỗ không chỉ đem lại thu nhập cao cho chủ dịch vụ mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Những ngày cuối tuần có nhiều tiệc cưới hay dịp lễ Tết, hơn 1.000 lao động địa phương làm dịch vụ nấu thuê.
Xã cũng thường xuyên mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ nấu ăn, các hộ dân cũng phải đăng ký bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…