Thương lái "chốt" vườn từ sớm, thủ phủ quất miền Trung tất bật vào vụ Tết
(Dân trí) - Hơn 80% các vườn quất tại xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam đã được thương lái chốt đơn. Những ngày này, thợ vườn tất bật chăm sóc, đảm bảo cho cây tươi đẹp trước khi bàn giao cho thương lái.
Xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, được xem là thủ phủ quất của tỉnh Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung. Tại đây có hơn 370 hộ chuyên trồng quất cảnh, mỗi năm cung ứng cho thị trường Tết hơn 65.000 chậu quất các loại.
Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, những ngày này, người người, nhà nhà tất bật tỉa cành, sơn chậu, chăm sóc cây, chờ ngày thương lái đến vườn lấy hàng.
Theo người dân địa phương, mọi năm, thời điểm cuối tháng 12 Dương lịch, thương lái mới tới gom quất. Tuy nhiên, năm nay thị trường sôi động từ rất sớm. Đầu tháng 11, đã có nhiều người đến đây đặt mua sỉ nhiều vườn quất.
Ông Nguyễn Văn Thủy (thôn Đồng Nà) cho hay, năm nay gia đình trồng 1.000 chậu quất cảnh các loại, trái to, trĩu quả.
Đến thời điểm này, ông đã bán hơn 90% số quất trong vườn. Với 1.000 chậu quất, trong đó có gần 200 chậu lớn, còn lại là loại trung và nhỏ. Giá bán từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng một chậu, tùy loại.
"Năm nay, thương lái đến xem vườn khá sớm và đã đặt hàng từ đầu tháng 11 Dương lịch. Giá quất so với mọi năm không biến động nhiều", ông Thủy nói.
Hàng ngày, ông Trần Văn Đông (thôn Đồng Nà) ra vườn từ sớm để tỉa cành, tưới nước, chăm sóc cây. Năm nay, ông Đông trồng gần 1.000 chậu quất lớn nhỏ, đến nay thương lái đã đặt hàng toàn bộ số quất tại vườn của gia đình ông.
Theo ông Đông, năm nay thời tiết không mấy thuận lợi, mùa hè thì nắng hạn, gần Tết mưa lạnh kéo dài. Các nhà vườn phải luôn túc trực tại vườn quất để giữ cây, can thiệp kỹ thuật đảm bảo trái to, đẹp, sẵn sàng phục vụ Tết.
"Giá quất không biến động nhiều so với mọi năm nhưng giá các loại phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây… đều tăng. Sau khi trừ chi phí, nông dân lời lãi không bao nhiêu", ông Đông chia sẻ.
Thâm canh quất cảnh hơn 6.000m2, mỗi năm gia đình ông Lê Trung (thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà), cung cấp ra thị trường hơn 900 chậu quất cảnh.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng quất Tết, không những phát triển kinh tế gia đình, ông Trung còn giải quyết công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương khi đến thời vụ chăm sóc quất tại vườn.
Những ngày gần Tết, để đáp ứng kịp thời nhu cầu xem và mua quất của khách, ông thuê số người làm đông hơn gấp đôi bình thường. Mỗi ngày trả công 250.000-400.000 đồng/người, tùy vào mức độ công việc nặng nhẹ khác nhau.
"Tùy từng giai đoạn phát triển của quất, các chủ vườn sẽ thuê lao động đến chăm sóc. Tôi lớn tuổi rồi, khó tìm việc ổn định, nhờ làm thuê cho các vườn quất mà có thêm thu nhập trang trải", bà Trần Thị Hồng (65 tuổi, ở xã Cẩm Hà) nói.
Theo UBND xã Cẩm Hà, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nông dân trong xã dự tính có hơn 65.000 chậu quất các loại cung ứng cho thị trường. Hiện nay, hơn 80% các vườn đã được đặt hàng với mức giá ổn định, không biến động nhiều so với mọi năm.