Người cao tuổi khi đi làm có bị cắt lương hưu?
(Dân trí) - Nhiều người cao tuổi đã về hưu, đang hưởng chế độ hưu trí nhưng vẫn có nhu cầu làm việc để kiếm thêm thu nhập. Khi đi làm có hợp đồng, nhóm lao động này có bị dừng cấp lương hưu hay không?
Ngoài những công việc phi chính thức, nhiều lao động cao tuổi tham gia làm các công việc chính thức tại các doanh nghiệp, đơn vị với đa dạng ngành nghề, từ bảo vệ, lao công cho đến chuyên gia các lĩnh vực.
Với các công việc chính thức, lao động cao tuổi phải ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Vậy khi ký hợp đồng lao động, hưởng các quyền lợi của người lao động thì người cao tuổi đang hưởng chế độ hưu trí có bị dừng cấp lương hưu hay không?
Khoản 2 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định: "Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động".
Như vậy, người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu nếu đi làm thì họ vẫn được nhận lương hưu từ quỹ hưu trí và các quyền lợi khác theo hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
Bộ luật Lao động 2019 cũng có nhiều điều khoản khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Điểm khác biệt khi thuê lao động cao tuổi là doanh nghiệp sẽ không bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động cao tuổi đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.
Việc này quy định rõ tại Khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014: "Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc".
Để đảm bảo sức khỏe cho lao động cao tuổi, Bộ luật Lao động 2019 quy định nhiều chế độ dành riêng cho lao động cao tuổi mà doanh nghiệp phải chú ý khi thuê lao động cao tuổi làm việc.
Thứ nhất, người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
Thứ hai, không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
Thứ ba, người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với tổng kinh phí gần 14,5 nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên, trong số 2,7 triệu người hưởng lương hưu cũng có không ít lao động nghỉ hưu có tiền lương hưu thấp. Nhiều người nghỉ hưu đang nhận lương hưu thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng, thậm chí còn dưới mức chuẩn nghèo ở đô thị.
Nguyên nhân là do nhiều đơn vị, doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng tiền lương cơ bản, cao hơn so với lương tối thiểu vùng một chút dẫn đến việc người lao động có lương hưu thấp khi nghỉ hưu. Với những người cao tuổi này, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nếu không có sự hỗ trợ của con cháu, không ít người phải tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu.