Nghề xe ôm công nghệ: Có nên chọn là công việc mưu sinh lâu dài?

Kim Anh

(Dân trí) - Chạy xe ôm công nghệ có thể mang lại nguồn thu ổn định, tự chủ về thời gian. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bạn trẻ có bằng cấp lại lựa chọn chạy xe như một công việc chính để mưu sinh. Điều này có nên?

Công việc có thu nhập ổn định

Tấm 6h30 sáng, ăn vội tấm bánh mỳ trên tay, Trần Hữu Anh (26 tuổi, quê Thanh Hóa) lại bắt đầu chuẩn bị những cuốc xe ôm đầu tiên trong ngày.

Đã 4 năm làm nghề xe ôm công nghệ cho đến nay, anh Trần Hữu Anh dường như đã quá quen thuộc với công việc dầm mưa dãi nắng này. Từng học chuyên ngành Luật kinh doanh của Đại học quốc gia Hà Nội, do chưa tìm được công việc ổn định, kể từ đó đến nay anh Trần Hữu Anh với thu nhập chính bằng việc chạy xe ôm.

“Thời gian mới ra trường nếu làm thêm theo đúng chuyên ngành học, tôi sẽ đi thực tập một khoảng thời gian với đồng lương ít ỏi. Ra trường vì áp lực cuộc sống và cũng đang cần tiền để trang trải cho nhiều chi phí sinh hoạt và nhà ở, vì vậy tôi tìm kiếm công việc chạy xe. Công việc này tự do và mang lại thu nhập ổn định”, anh Hữu Anh chia sẻ.

Nghề xe ôm công nghệ: Có nên chọn là công việc mưu sinh lâu dài? - 1
Nhiều bạn trẻ hiện nay sau khi tốt nghiệp tham gia vào công việc chạy xe ôm công nghệ (Ảnh: Kim Anh)

Trung bình một ngày, anh sẽ chạy được khoảng từ 26 - 30 chuyến xe. Ngày ít, không có đơn đặt hàng đồ ăn sẽ dao động từ 18 - 25 chuyến.

“Công việc chạy xe không bắt buộc phải làm đủ 8 tiếng một ngày, có sức thì chạy nhiều từ 13 - 14 tiếng, lúc nào mệt thì tắt mạng nghỉ ngơi một lúc rồi chạy tiếp, mọi thứ đều do mình chủ động. Nếu làm việc chăm chỉ, trung bình một tháng thu nhập từ 10 -15 triệu. Với khoản thu này,tôi có thể để ra một khoản tiết kiệm nhỏ”, anh Hữu Anh tâm sự.

Từng làm tài xế xe ôm công nghệ khoảng hơn 1 năm liên tục, sau đó chuyển sang chạy ứng dụng khác, anh Nguyễn Đức Chiến (23 tuổi) chia sẻ: “Thời gian chạy Grab, tôi vừa đi học vừa đi chạy, tranh thủ thời gian để kiếm thêm thu nhập. Công việc này cho tôi nhiều thứ mà cũng lấy đi nhiều thứ khác nhưng đủ để tôi trang trải cuộc sống khó khăn khi đó”.

Anh Nguyễn Đức Chiến đang học khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, trường Đại học Xây dựng, với ngành mà anh theo học muốn thực hành để đi làm thì phải ra công trường học.

Số tiền nhận được chỉ đủ tiền xăng xe và ăn uống. Nếu theo học như vậy, sẽ không có đủ điều kiện để có thể đi làm, duy trì cuộc sống. “Thời gian đi học, tôi cũng làm nhiều nghề khác nhau. Một ngày chạy xe công nghệ, tôi có từ 300.000 - 400.000 đồng. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang chạy ứng dụng khác, thu nhập ít hơn không được như trước”.

Nghề xe ôm công nghệ: Có nên chọn là công việc mưu sinh lâu dài? - 2
Nhiều bạn trẻ hiện nay sau khi tốt nghiệp tham gia vào công việc chạy xe ôm công nghệ (Ảnh: Kim Anh)

Sau khi tốt nghiệp nếu có điều kiện hơn, anh Nguyễn Đức Chiến dự định tìm kiếm công việc theo ngành nghề đã học để đảm bảo ổn định cuộc sống hơn. Chạy xe công nghệ cũng vừa để có thêm trải nghiệm vừa để mưu sinh.

Cần linh hoạt chọn nghề 

Xe ôm công nghệ đang ngày càng trở nên phổ biến bởi tính linh hoạt và thu nhập ổn định, khắc phục được cuộc sống của nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, chạy xe ôm chính là công việc mang lại tính chất đối phó thời vụ. Đó là công việc không cần phải mất nhiều thời gian, nhiều tiền mà vẫn có được thu nhập.

“Trong thời gian học đại học, nếu các bạn sinh viên không có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng, học một chương trình đại học các bạn cũng không hứng thú thì ra trường cũng không có cơ hội làm việc ngay”, ông Trần Thành Nam chia sẻ.

Theo ông Trần Thành Nam, tất cả những nhà tuyển dụng lao động bao giờ họ cũng sẽ yêu cầu phải có kinh nghiệm. Vậy trong những năm học đại học, nếu các bạn không tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp, thực hành để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo thì cũng rất khó để tìm việc.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, nhiều gia đình bố mẹ cũng không còn khả năng để chu cấp tài chính thì bắt buộc các bạn phải lựa chọn một công việc gì đó.

“Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ làm theo một công việc ổn định lâu dài thì ngày càng các bạn ấy có thể bị lãng quên kiến thức của các môn học chuyên sâu. Nếu đơn thuần chỉ học xong không thể nào ra là có thể đáp ứng được công việc, chúng ta phải trau đồi học tập liên tục để phát triển tương lai lâu dài”, ông Trần Thành Nam cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội chuyên gia Tâm lý Giáo dục Việt Nam - chia sẻ: “Nghề dịch vụ xe ôm chỉ có tính chất chờ thời, với những người không có điều kiện, có hoàn cảnh khó khăn là họ đều tham gia ngay công việc này”.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, với những người trẻ trong thời gian đầu, trước mắt với họ đấy là công việc phù hợp với người ta đem lại thu nhập ổn định.

“Quan trọng là chúng ta phải gieo cho những bạn trẻ những nhu cầu khác, nhu cầu mới, không nên để cho họ yên tâm làm với công việc ổn định. Như vậy sẽ mang lại cho họ có lao động tốt và chất lượng hơn. Chúng ta nên khích lệ các bạn ngoài cái việc đi kiếm tiền thì nên tìm cơ hội, học tập để nâng cao tay nghề, tìm kiếm cái vị trí tốt hơn nữa để phát triển trong tương lai”, ông Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.