Anh xe ôm nghèo thích lo chuyện bao đồng
(Dân trí) - Từ sáng tới chiều, anh Nhân mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm. Đêm xuống, anh Nhân lại rong ruổi khắp các con phố để đi vá xe miễn phí cho người đi đường. Công việc vất vả nhưng cho anh niềm vui.
Hơn 2 năm nay, dường như đêm nào người dân ở khu vực từ ngã tư An Sương đến khu du lịch Suối Tiên (TPHCM) cũng thấy một người đàn ông cặm cụi vá xe miễn phí cho người đi đường bị hư xe.
Người đàn ông ấy chính là anh Nguyễn Thành Nhân (41 tuổi, ngụ tại Hóc Môn, TPHCM). Anh Nhân đang hành nghề tài xế xe ôm công nghệ với mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, anh Nhân bị giảm thu nhập nghiêm trọng, gia đình nhiều khi cũng "thiếu trước hụt sau".
Chia sẻ về lý do làm công việc vá xe miễn phí, anh Nhân vừa cười vừa nói: "Thấy nhiều người đi giữa đêm khuya bị hư xe, không có tiệm sửa nên phải dắt bộ khổ quá. Nhiều trường hợp gặp phải mưa gió càng vất vả hơn. Mình lại biết vá xe nên mua sắm đồ nghề đi giúp được ai thì mình giúp".
Để thực hiện mong muốn, năm 2017, anh Nhân tham gia đội cứu hộ S.0.S tại TPHCM. Năm 2018, anh tách ra thành lập đội cứu hộ riêng với tên gọi 7749. Đây cũng là biển số của "con ngựa sắt" anh cưỡi hàng ngày, rong ruổi trên các tuyến đường.
Hằng ngày, người thanh niên này vẫn luôn giữ thói quen chạy xe ra đường sau 19h tối và về nhà lúc 3h sáng… Hễ gặp ai bị hư xe, bể bánh, hết xăng trên đường, anh đều tận tình giúp đỡ miễn phí.
"Ngày đầu đi làm công việc này, nhiều người thấy mình cũng e ngại. Họ nghĩ mình là cướp hoặc có ý đồ xấu nên cũng không dám để mình giúp. Thời gian sau, tôi phải làm tấm bảng với dòng chữ “gặp là giúp sửa xe, vá xe, kéo xe, xăng miễn phí”, anh Nhân nhớ lại.
Ban đầu, đội cứu hộ 7499 của anh có gần chục thành viên đều là những xe ôm công nghệ. Mọi người đều nhiệt huyết nhưng vì cuộc sống mưu sinh, các thành viên lần lượt rời khỏi đội, hiện chỉ còn mình anh Nhân.
Theo anh Nhân, công việc này cũng gặp nhiều khó khăn. Do đụng chạm tới "miếng cơm, manh áo" của các tiệm sửa xe nên nhiều lần anh cũng bị làm khó.
"Mình công khai số điện thoại trên xe để người dân bị hư xe tiện liên hệ. Tuy vậy, rất nhiều cuộc gọi đến phá, gây khó dễ, thậm chí đe doạ. Có một lần tại Suối Tiên, tôi nhận được cuộc gọi nhờ hỗ trợ vá bánh xe vì cán phải đinh, tôi đã điều khiển xe đến điểm hẹn.
Tại đây tôi bị một số đối tượng gây sức ép, đe dọa buộc tôi phải bỏ nghề. Sau lần ấy, tôi xóa số điện thoại trên thùng xe, rồi chọn một hành trình cụ thể để giúp, hỗ trợ tất cả người đi đường nếu xe gặp sự cố trên hành trình di chuyển của mình” - anh Nhân nói.
Gia đình anh đang sinh sống tại Hóc Môn, kinh tế gia đình phần lớn dựa vào thu nhập chạy xe ôm của anh. Thường ngày, anh Nhân chạy cật lực từ 7h sáng đến 18h chiều thì cũng chỉ kiếm được 200 ngàn đồng, có những hôm đông khách thì 400 ngàn đồng.
Dù thu nhập ít ỏi, nhưng anh cũng trích ra một phần nhỏ tiền chạy xe của mình để mua sắm các dụng cụ sửa xe giúp đỡ mọi người.
“Mình giúp được ai trong đêm để họ thuận lợi chạy về nhà thì mình vui lắm. Công việc này không giúp mình có thêm thu nhập nhưng bù lại giúp bản thân mình có thêm niềm vui trong cuộc sống nên mình rất hạnh phúc, mãn nguyện”, anh Nhân bộc bạch.
Mỗi lần ra ngoài giúp người, anh Nhân để trong thùng xe của anh mọi thứ mà anh cần, từ bông băng, thuốc đỏ, lốp xe, thiết bị nâng xe, bugi,… Nhờ vậy, anh Nhân có thể chữa tất cả các bệnh thường gặp của xe máy.
“Ban đầu, gia đình mình thấy mình đi sớm về khuya nên rất lo lắng, nhất là mẹ mình vì sợ đi khuya như vậy dễ gặp nguy hiểm như cướp, tai nạn giao thông… Tuy vậy, khi thấy mình quyết tâm giúp đỡ người khác nên dần ủng hộ, giúp đỡ mình nhiều thứ để mình có thể tiếp tục công việc này”, anh Nhân cho biết.
Mỗi tối vào đúng 19h, anh xuất phát từ ngã tư An Sương hướng về Suối Tiên, rồi lại vòng về Điện Biên Phủ, lại chạy về quận 8,…và về tới nhà tại Hóc Môn vào 3h sáng hôm sau.
Chi phí xăng xe và mua đồ hỗ trợ người dân mỗi tháng anh Nhân tốn khoảng 3 triệu đồng. Số tiền trên khá lớn đối với thu nhập của một tài xế xe ôm nhưng đổi lại cho anh niềm hạnh phúc.
"Tôi chỉ mong mọi người có thể trở về nhà an toàn. Đồng thời nếu được, việc làm này sẽ được nhiều người biết đến, biết đâu có một vài người có cùng suy nghĩ sẽ làm việc gì đó giúp đỡ cho cộng đồng để cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt hơn”, anh Nhân chia sẻ thêm.
Chia tay anh Nhân lúc trời gần sáng, những cơn gió đêm khiến chúng tôi cảm thấy run người. Tuy vậy, mặc cho gió, mưa, anh Nhân vẫn cần mẫn với niềm đam mê và châm ngôn "cho đi là còn mãi". Bóng anh cứ dần khuất vào màn đêm tĩnh mịch.