Nghề làm câu kiều ở “làng vớt xác”

Từ bao đời nay, người dân làng chài Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) sống bằng nghề đánh bắt thủy sản với công cụ là câu kiều. Cũng vì vậy, nghề làm câu kiều đã giúp nhiều hộ gia đình có cuộc sống khá giả.

Nghe đến câu kiều, có lẽ những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó mà hình dung rằng, đây là một ngư cụ dùng để đánh bắt cá.

Lưỡi câu kiều có hình chữ U rộng chừng 5cm, sắc nhọn, được xếp thành hàng ngang trên các nẹp tre, mỗi lưỡi câu được bố trí trên sợi dây có gắn phao xốp.

Theo anh Phan Ngọc Thanh (50 tuổi, có thâm niên gần 30 làm câu kiều): “Mỗi ngày, hai vợ chồng tôi làm được 4 nẹp câu kiều, bán với giá 170 - 200 nghìn đồng/nẹp, tùy loại nhỏ hay lớn, sau khi trừ chi phí thì lời được 300 nghìn đồng.

Cũng nhờ có nghề làm nẹp câu kiều này, gia đình tôi có cuộc sống tương đối ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn”, ông Thanh chia sẻ.

Chị Hồ Thị Hòa (46 tuổi, theo nghề làm câu kiều khi mới 20 tuổi) cho hay, nghề này đã có từ rất lâu, có lẽ bắt đầu từ khi người dân nơi đây sắm thuyền để đi biển. Cho đến nay, không ai biết vì sao lại có tên là câu kiều, chỉ biết trước kia ông bà gọi sao thì giờ gọi như vậy.

Nghề làm câu kiều ở “làng vớt xác” - 1

Nhờ nghề làm câu kiều, gia đình chị Hòa có cuộc sống ổn định. Ảnh: Đình Phùng

“So với các nghề khác, nghề làm câu kiều cũng không khổ gì mấy. Nghề này làm được quanh năm, ngồi trong nhà làm, không sợ mưa nắng gì cả.

Gia đình tôi không chỉ cung cấp câu kiều cho người dân địa phương, mà còn nhận đơn đặt hàng của ngư dân trong tỉnh, cũng như các tỉnh ở khu vực miền Trung. Vì vậy, cuộc sống cũng khá khẩm lên từng ngày”, chị Hòa cho biết.

Theo anh Võ Văn Bảy (42 tuổi, một ngư dân đi biển ở thôn Bình Thái), thường thì một thuyền khi đi biển cần khoảng 150 - 200 nẹp câu kiều. Làm nghề câu kiều phải có sức khỏe, kinh nghiệm và đặc biệt phải có tính kiên nhẫn, chịu khó.

Khi thả dây câu xuống biển phải tính toán sao cho dây câu lơ lửng trong làn nước biển. Các loại cá đuối, cá lỵ, cá lạc có tập tính tìm mồi thường bò sát các cồn cát, khi vô tình vướng phải sẽ bị mắc vào dây câu.

“Bên cạnh việc dùng để đánh bắt cá, biết được tính năng của câu kiều là khi thả lưỡi câu sẽ nằm ở sát dưới đáy nước nên nhiều lần chúng tôi dùng nó để vớt xác người chết trong thôn, trong xã. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có người thân bị chết đuối ở các sông, hồ… từ khắp nơi tìm đến nhờ chúng tôi đi vớt xác người thân cho họ.

Chúng tôi làm chủ yếu là lấy đức cho con cháu chứ không nhận tiền bạc gì. Rồi không biết từ khi nào, thôn Bình Thái được gọi là “làng vớt xác”, nghe cũng rợn rợn”, anh Bảy cười nói.

Ông Võ Văn Thà (trưởng thôn Bình Thái) cho biết: “Thôn Bình Thái có 258 hộ gia đình với hơn 1.200 nhân khẩu. Ở đây, hàng trăm hộ chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản bằng câu kiều, kiêm luôn cái nghiệp vớt xác người chết. Hiện có khoảng 20 hộ chuyên làm câu kiều cung cấp cho ngư dân đi biển ở địa phương và các nơi khác. Đa phần những hộ gia đình này đều có cuộc sống ổn định”.

Theo Báo Lao động