Thứ trưởng Lê Quân:

"Sẽ phải trả giá đắt nếu đánh giá nhầm năng lực khi chọn nghề nghiệp..."

(Dân trí) - “Vẫn còn không ít bậc phụ huynh cho rằng hành trang tìm việc của con em phải có tấm bằng đại học. Trong khi đó, “khoảng trống” ít được quan tâm là: Thực chất sức học và nguyện vọng của các em? Liệu tấm bằng cấp có thể thay thế được khả năng học tập của con em mình?...”.


Thứ trưởng Lê Quân

Thứ trưởng Lê Quân

Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng nhận thức chưa đúng của nhiều bậc phụ huynh về bằng cấp, nghề nghiệp việc làm đã khiến việc đưa ra lựa chọn chưa đúng. Trong khi đó, cơ hội học trung cấp, cao đẳng là một lựa chọn hấp dẫn với nhiều bạn trẻ ngay từ khi mới tốt nghiệp THCS.

Thưa Thứ trưởng, ông đã dự nhiều Phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội, TP HCM, chứng kiến nhiều câu chuyện trên báo chí về cử nhân giấu bằng đi làm công nhân. Liên hệ với thực tế khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, ông có thể chia sẻ những nhận xét gì?

- Theo Bản tin thị trường lao động của Viện KHLĐ&XH quý IV/2017, mức thu nhập bình quân người lao đồng có trình độ đại học là 7,7 triệu đồng/tháng, có trình độ cao đẳng và trung cấp là 5,7 triệu đồng/tháng và trình độ sơ cấp 6,38 triệu đồng/tháng.

Như vậy, có thể thấy thu nhập tỷ lệ thuận với trình độ đào tạo, nhưng cũng không có sự chênh lệch lớn về thu nhập theo bằng cấp.

“Xin nói rõ rằng, xã hội cần những bạn trẻ có sức học tốt tham gia học đại học. Qua đó giúp cho nền kinh tế những nhân lực đáp ứng đúng yêu cầu. Tuy nhiên có nên để tất cả các bạn trẻ đều thi vào đại học?

Điều tôi muốn nói ở đây là: Với những bạn trẻ có lựa chọn phù hợp với năng lực bản thân nên quan tâm tới cơ hội phát triển nghề nghiệp một cách ổn định và có hiệu quả thông qua việc học trung cấp, cao đẳng. Khi có công việc và thu nhập ổn định, các bạn vẫn có cơ hội học tiếp lên bậc cao hơn” - Thứ trưởng Lê Quân nói.

Ngoài ra, gần 20% người có trình độ đào tạo cao nhưng lại làm các công việc đòi hỏi trình độ thấp hơn, như: Ứng viên có bằng đại học, cao đẳng nhưng đi làm những công việc đòi hỏi trình độ sơ cấp, trung cấp...

Nhìn về khu vực nhà nước, cơ hội việc làm đang rất hạn chế do chủ trương tinh giảm biên chế. Trong khi đó, hầu hết nguồn việc làm đang dần được tạo ra từ khu vực tư nhân.

Tại nhiều Phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội, TP HCM, điều bất ngờ là doanh nghiệp đang có xu hướng tuyển nhiều lao động trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng.

Điều này có thể được lý giải một phần bởi tấm bằng không còn là quá quan trọng với khu vực dân doanh. Doanh nghiệp cần tuyển nhân sự phù hợp hơn là nhân sự có bằng cấp cao.

Doanh nghiệp có xu hướng tuyển nhân sự có trình độ đào tạo vừa phải nhưng có kỹ năng đáp ứng yêu cầu, để không phải trả lương và đóng BHXH cao.

Đây có lẽ cũng là một cách để giảm hiện tượng nhảy việc của nhân viên.


Khảo sát Quý 4/2017 của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).

Khảo sát Quý 4/2017 của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).

Từ thực tế Thứ trưởng chia sẻ trên đây, chúng ta sẽ phải thừa nhận một điều: Để có được thu nhập hấp dẫn từ công việc, ứng viên sẽ phải “sở hữu” nhiều điều khác chứ không đơn giản chỉ là tấm bằng đại học, thưa Thứ trưởng?

- Đúng vậy, câu chuyện thu nhập đang được các doanh nghiệp tính trên năng lực và mức độ hoàn thành công việc, trong đó kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng.

Đơn cử, hiện nay ai cũng nghĩ nghề thợ xây là vất vả và có thu nhập thấp. Nhưng thực tế rất khó tuyển được một thợ xây làm việc ở khu vực công nghiệp có tay nghề khá với mức lương từ 15 triệu đồng/tháng.

Hoặc để tuyển được một thợ hàn có đủ kỹ năng nghề và ngoại ngữ, đi làm việc tại nước ngoài có thể tiết kiệm vài trăm triệu đồng/năm thực sự không dễ.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 522/TTg ngày 14/5/2018, phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Theo đó tới năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%...

Tương tự, việc tuyển một phụ bếp có thu nhập vài triệu đồng/tháng ngay khi còn đi học; và mức lương để tuyển được một đầu bếp giỏi là vài chục triệu đồng/tháng cũng là điều khó khăn của nhà tuyển dụng.

Khi xây dựng mức lương, doanh nghiệp luôn đưa ra mức lương gắn với vị trí công việc, năng lực và thành tích cá nhân. Đây là điều mà các nước kinh tế phát triển đã áp dụng từ lâu: Lương 3P (Position, Person, Performance).

Chưa có bằng đại học, người lao động có năng lực vẫn sẽ trưởng thành nhanh theo lộ trình nghề nghiệp. Khởi đầu có thể từ công nhân kỹ thuật, nhưng sau thời gian phấn đấu và học tập tiếp, cá nhân được giao nhiều vị trí quan trọng khác như thợ cả (thợ bậc cao), trưởng nhóm, trưởng ca, quản đốc...

Ngược lại, nếu người lao động thiếu năng lực, không có ý chí phấn đấu, dù là có bằng đại học, thạc sĩ... thì sẽ vẫn luôn rơi vào tình trạng bế tắc vì thiếu cơ hội thăng tiến.

Vậy phải chăng vẫn tồn tại dai dẳng một “khoảng trống” trong nhà trường về phân luồng, hướng nghiệp có tính thực chất và hiệu quả tới các em, thưa Thứ trưởng?

- Hướng nghiệp chưa tốt là điểm yếu của hệ thống giáo dục của chúng ta.

Hai mục tiêu rất lớn của giáo dục phổ thông là học để làm việc và học để trở thành công dân chưa đạt được mục tiêu đề ra. Chúng ta đều thừa nhận là các em đang phải học quá tải, chương trình rất chú trọng vào truyền tải kiến thức, thi cử chứ chưa phát triển năng lực toàn diện.

Ai cũng thấy điều đó, nhưng có vẻ ai cũng dễ dàng thỏa hiệp để con em mình phải học thêm, phải thi được điểm cao.

Một "khoảng trống” nữa là chúng ta chưa xây dựng được xã hội học tập, gắn với học tập suốt đời. Mất một thời gian chúng ta chạy theo khoa cử, nên hình thành suy nghĩ là học kém vào học nghề, thi trượt đại học thì vào cao đẳng, trung cấp…” - Thứ trưởng Lê Quân chia sẻ.

Có một thực tế dễ nhận thấy là rất nhiều học sinh học môn nghề để được cộng điểm chứ chưa phải để được hướng nghiệp. Nhiều trường học và các thầy cô giáo vẫn lấy tỷ lệ học sinh đỗ lớp 10 công lập, đỗ đại học làm tiêu chí đánh giá chất lượng của trường.

Đây chính là những “khoảng trống” so với nhu cầu của xã hội.

“Khoảng trống” lớn nữa là các cấp chính quyền dường như chú trọng quá nhiều đến giáo dục phổ thông, đầu tư cho trường chuyên lớn chọn chứ chưa chú trọng thực sự đến phát triển kỹ năng, dạy nghề.

Nhiều địa phương thay vì đầu tư cho các trường nghề để thu hút học sinh lớp 9 vào học, lại quyết định tăng sĩ số lớp học THPT để thêm cơ hội đỗ cho học sinh.

Với các chính sách như vậy, hệ lụy là sẽ có thêm vài trăm ngàn học sinh tốt nghiệp THCS nhưng lại không đăng ký vào đại học như năm nay (237.000 học sinh). Vậy nguồn nhân lực này đi đâu?

Những nhìn nhận sai lầm trên đã làm mất đi cơ hội việc làm và thăng tiến của người học và “dồn” học sinh vào đại học. Thay vì theo lộ trình học tập liên thông phù hợp.

Vậy theo Thứ trưởng, chúng ta phải bắt đầu điều chỉnh những điều chưa đúng như nhận định trên từ đâu? Từ khâu nào? Và thời điểm nào phù hợp với học sinh để tiếp thu?

- Nhận thức của xã hội đang dần thay đổi. Một bộ phận các bậc phụ huynh đã có nhận thức mới hơn. Họ đã quan tâm đến các yếu tố cơ hội việc làm, thu nhập, cơ hội phát triển nghề nghiệp, chi phí học tập, học lực...của con em mình trước khi cân nhắc lựa chọn nghề, chọn trường.

Số lượng bậc phụ huynh có nhận thức như trên sẽ ngày càng tăng nhanh cũng nhu cầu học nghề của xã hội.

Cũng giống như tại hầu hết các nước phát triển hiện nay, học sinh sẽ thích học các chương trình ngắn, chú trọng phát triển kỹ năng, có cơ hội việc làm sớm và có thu nhập tốt thay vì đi theo lộ trình dài.

Với các cơ quan chức năng, việc áp đặt học sinh phải vào học nghề là không nên trong lúc này. Thay vào đó, nhiều giải pháp có thể được các cơ quan chức năng nghiên cứu, như: Đẩy mạnh dự báo nhu cầu, quy hoạch mạng lưới giáo dục các cấp, liên thông giữa các bậc đào tạo gắn với học tập suốt đời, đổi mới giáo dục hướng nghiệp, chính sách ưu tiên cho học sinh theo học nghề, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp...

Bên cạnh đó, để phân luồng tốt, chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Khi đưa các cháu học sinh vào học nghề, các trường nghề phải thực sự quan tâm chăm lo, giáo dục các cháu toàn diện chứ không đơn thuần là kỹ năng nghề.

Tương quan giữa bằng cấp và trình độ

Từng có nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực quản trị nhân sự, vậy nếu đứng từ góc độ nhà quản trị của doanh nghiệp, xin Thứ trưởng sẽ có đánh giá tương quan bằng cấp - chất lượng thực sự tương xứng với bằng cấp - lao động có tay nghề…?

- Thứ trưởng Lê Quân: Bằng cấp là thước đo ban đầu về năng lực. Nhà tuyển dụng trân trọng các ứng viên có bằng cấp phù hợp. Nhà tuyển dụng bao giờ cũng đánh giá ứng viên trên nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn năng lực khác nhau, bao trùm cả kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp. Có được tuyển dụng hay không và sự nghiệp của mỗi cá nhân sau này phụ thuộc vào năng lực thực sự.

Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất với người lao động là phải xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Qua đó xác định được những năng lực còn thiếu và yếu của bản thân để có lộ trình rèn luyện, học tập.

Trong xã hội ngày nay, năng lực thích nghi và tiếp thu các kiến thức, kỹ năng mới là rất quan trọng. Đặc biệt trong thành công của mỗi người, thái độ có lẽ được đánh giá quan trọng hơn trình độ.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Thanh Hoa thực hiện