1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề được "rừng nuôi" kiếm vài trăm triệu mỗi năm

Thanh Tùng

(Dân trí) - Mùa hoa sú, vẹt vừa chớm nở, người dân ven rừng ngập mặn ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) lại đưa những đàn ong đến đây "huấn luyện" nhả mật, thu lời hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

Nghề được "rừng nuôi" kiếm vài trăm triệu mỗi năm

"Trồng rừng, được rừng nuôi" là cách mà người ta hay nhắc đến đối với người dân ven biển ở xã Nga Tân, Nga Thủy (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Hơn 10 năm qua, người dân nơi đây có một nguồn thu nhập khá ổn định nhờ nghề nuôi ong mật ven cánh rừng ngập mặn.

Nghề được rừng nuôi kiếm vài trăm triệu mỗi năm - 1
Mùa hoa sú nở, người dân ven biển huyện Nga Sơn lại hối hả vào vụ thu hoạch ong lấy mật.

Đến hẹn lại lên, từ tháng 3 - 6 âm lịch hàng năm, khi những nụ hoa sú, vẹt bắt đầu chớm nở, những người nuôi ong nơi đây lại hối hả đưa ong về lấy mật. 

Ghé Nga Sơn vào những ngày này, không khó để bắt gặp cảnh người dân ven biển đang tấp nập chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mật ong từ những cây sú, vẹt. Dọc cánh rừng ngập mặn, những bọng ong được người dân đưa về đây để nuôi dưỡng chuẩn bị cho mùa lấy mật ong từ hoa sú, vẹt.

Nghề được rừng nuôi kiếm vài trăm triệu mỗi năm - 2
Việc chăm ong phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.
Nghề được rừng nuôi kiếm vài trăm triệu mỗi năm - 3
Nhờ nghề nuôi ong ven rừng ngập mặn, nhiều hộ dân ở Nga Sơn phấn khởi, vui mừng vì có hiệu quả kinh tế cao.

Hơn 10 năm làm nghề nuôi ong, ông Mai Văn Hạ (58 tuổi, xã Nga Thủy) là một trong những "huấn luyện viên" dày dặn kinh nghiệm trong nghề. Mỗi vụ, gia đình ông thu về từ 100 - 150 triệu đồng.

"Năm nay, gia đình tôi có hơn 100 bọng ong. Nếu thời tiết thuận lợi thì khả năng kiếm về khoảng hơn 100 triệu đồng. Nuôi ong tuy dễ nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, nếu không thì cũng trắng tay như chơi", ông Hạ chia sẻ.

Nghề được rừng nuôi kiếm vài trăm triệu mỗi năm - 4
Đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề, ông Hạ hiểu rõ từng đặc tính của ong.

Nghề nuôi ong ven rừng ngập mặn phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết. Nếu thời tiết nắng mưa thất thường thì đàn ong dễ bị ốm, lượng mật trong hoa cũng ít, dẫn đến năng suất giảm so với bình thường. Có thời điểm, đến kỳ thu hoạch nhưng gặp mưa lớn, mật ong trở nên kém chất lượng.

Thông thường, nghề nuôi ong mật ven rừng ngập mặn cho năng suất cao nhất vào tháng 4 âm lịch. Đây là thời điểm thời tiết nắng đều, lượng hoa sú, vẹt rộ nhất trong năm.

Tuy nhiên, để nắm bắt được thời vụ, những người nuôi ong phải biết cách chăm sóc đàn ong của mình, hay nói cách khác là huấn luyện kỹ càng cho đàn ong.

Nghề được rừng nuôi kiếm vài trăm triệu mỗi năm - 5
Những con ong thợ khỏe mạnh hứa hẹn một mùa mật bội thu.
Nghề được rừng nuôi kiếm vài trăm triệu mỗi năm - 6
Những bọng ong dọc vùng rừng ngập mặn ven biển Nga Sơn.

"Nuôi ong giống như huấn luyện viên đối với vận động viên thể thao. Ong sau khi đưa về phải chăm sóc sức khỏe cho nó thật tốt trước khi đưa đi hút mật. Thông thường, từ cuối tháng 4 dương lịch, những đàn ong sẽ được đưa về để nuôi dưỡng lại cho tốt. Mỗi ngày, phải kiểm tra từng bọng ong để kiểm tra lượng mật. Có như thế mới kiểm soát cho chúng vào đúng vụ được", ông Hạ cho biết thêm.

Cũng như ông Hạ, anh Trần Văn Sửu (quê xã Nga Thái, huyện Nga Sơn) vừa đưa đàn ong từ mùa hoa nhãn Ninh Bình về rừng ngập mặn để nuôi dưỡng.

Anh cho hay: "Ong mật ở đây chủ yếu lấy giống từ nước ngoài, mỗi con giống giá vài triệu đồng. Sau khi nhân được đàn thì sẽ đưa đi khắp nơi để thu mật, mùa nào mật đó. Sau mỗi vụ thu hoạch phải nuôi dưỡng lại để chúng khỏe mạnh mới có sức lao động tiếp. Ngoài nuôi ong lấy mật, nhiều người còn kiếm tiền triệu nhờ nhân đàn". 

Nghề được rừng nuôi kiếm vài trăm triệu mỗi năm - 7

Sau một thời gian nuôi dưỡng ong ven rừng ngập mặn, gia đình ông Hạ đã bắt đầu có thành quả.

Theo khảo sát từ những người nuôi ong tại đây, trung bình một đàn ong cho thu hoạch khoảng 20 kg mật mỗi năm, với giá bình quân 100.000 đồng/kg. Mỗi hộ nuôi 100 đến 200 đàn, trừ chi phí đem về thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Ngoài bán mật, nhiều hộ còn nhân đàn mới với giá trên dưới 1 triệu đồng mỗi đàn.

Hiện nay, tổng diện tích khu rừng ngập mặn của huyện Nga Sơn khoảng 347 ha, mỗi vụ hoa sú, vẹt rừng ngập mặn nở hoa, trên địa bàn huyện Nga Sơn (đặc biệt tại Nga Tân và Nga Thủy) có khoảng 2.000 đàn ong. Đặc biệt, tập trung chủ yếu ở 2 xã Nga Tân và Nga Thủy. 

Nghề được rừng nuôi kiếm vài trăm triệu mỗi năm - 8
Đây đang trở thành nghề tay trái nhưng kiếm bộn tiền của người dân ven biển huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).

Ông Mai Văn Công, Bí thư Đảng ủy xã Nga Thủy, cho biết: "Xã Nga Thủy có 109 ha diện tích rừng ngập mặn. Nhiều năm qua, ngoài nghề truyền thống là chiếu cói, người dân địa phương còn phát triển thêm nghề nuôi ong ven rừng ngập mặn. Đây tuy là nghề mới nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, toàn xã có khoảng 30 - 40 hộ làm nghề này. Hiện địa phương đang có kế hoạch sẽ đưa mật ong ven rừng ngập mặn thành 1 sản phẩm OCOP". 

Nghề được rừng nuôi kiếm vài trăm triệu mỗi năm - 9

Hoa sú vào vụ nở rộ.