Thanh Hoá: Giải quyết việc làm cho 336.000 lao động

Duy Tuyên

(Dân trí) - Đây là kết quả của phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, đã làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Thanh Hoá: Giải quyết việc làm cho 336.000 lao động - 1
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020.

Trong đó, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung vào 3 nhóm chính sách hỗ trợ: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như nhà ở, giáo dục, y tế, thông tin, nước sạch; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, vận động thực hiện chính sách khám, chữa bệnh, hỗ trợ giáo dục, miễn, giảm học phí, trao tặng học bổng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; xây dựng quỹ “Vì người nghèo” được các tổ chức, các nhà hảo tâm, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân nhiệt tình ủng hộ, góp phần cải thiện cuộc sống của những người nghèo.

Những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua gồm: huyện Như Xuân (1 trong 7 huyện của tỉnh Thanh Hóa thuộc Chương trình 30a), là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa thoát nghèo. Hay trường hợp cụ Đỗ Thị Mơ (84 tuổi), thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, làm đơn xin thoát hộ nghèo... đã minh chứng hiệu quả của phong trào “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thanh Hóa theo chuẩn tiếp cận đa chiều từ 13,51% năm 2015, xuống còn 3,27% năm 2019, bình quân giảm 2,56%, vượt kế hoạch. Dự kiến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Thanh Hóa thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Bên cạnh đó, các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với nhiều hoạt động thiết thực, nghĩa tình như: xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, chăm sóc bố, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu cô đơn, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng..., đã thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc.

Thống kê cho thấy, có 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.

Thanh Hoá: Giải quyết việc làm cho 336.000 lao động - 2
Trong 5 năm, toàn tỉnh Thanh Hóa giải quyết việc làm cho 336.000 lao động.

Với việc tổ chức triển khai phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, trong 5 năm, toàn tỉnh Thanh Hóa giải quyết việc làm cho 336.000 lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm còn 3,1%; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm còn 37,9%, đạt mục tiêu kế hoạch.

Với kết quả đạt được trong 5 năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa liên tục được Bộ Lao Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua.

Đối với việc khen thưởng người có công, khen thưởng kháng chiến, đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 4.632 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó giai đoạn 2015- 2020 có 3.035 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng và truy tặng); có 754 gia đình có nhiều liệt sỹ được tặng Huân chương Độc lập (trong đó giai đoạn 2015- 2020 có 491 gia đình); có 37.039 Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp; 178.445 Huân chương, 144.788 Huy chương, 7.142 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 107.363 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh...

Trong giai đoạn 2020-2025, Thanh Hóa phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm theo tiêu chí mới của giai đoạn 2021 - 2025 từ 1,5% trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2025 đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.