Nghề bán hàng online "lên ngôi" mùa dịch Covid-19
(Dân trí) - Nghề lễ tân giúp anh Nguyễn Văn Huy có lương 9 triệu đồng/tháng. Chuyển sang bán hàng online, thu nhập của anh khoảng 13 triệu đồng/tháng. Những tháng dịch bùng phát, anh thu nhập gần 20 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Huy 27 tuổi, từng làm nhân viên lễ tân cho một khách sạn tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã khiến anh mất việc. Để có thu nhập trang trải cho cuộc sống, anh lựa chọn công việc bán hàng online trong khi chờ tìm được công việc mới.
"Ban đầu, tôi chỉ tính bán lúc rảnh rỗi để duy trì thu nhập, nhưng càng làm càng thấy doanh thu khá hơn. Mùa dịch, mọi người hạn chế ra đường, không tụ tập đông người, nên việc mua hàng online là tiện lợi nhất".
Theo anh Nguyễn Văn Huy, dịch Covid-19 đang khiến rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng. Không ít người lao động mất việc, giảm lương, anh cũng nằm trong số đó. Nhưng đây cũng là cơ hội để người dân chuyển dịch thói quen mua sắm, tạo điều kiện thuận lợi mở ra một hướng đi mới cho anh và các cửa hàng online hoạt động và phát triển.
Chỉ bằng những thao tác nhỏ để mua các gói quảng cáo trên facebook hay các sàn thương mại điện tử, anh Nguyễn Văn Huy có thể tạo dựng một cửa hàng online với đủ các mặt hàng.
"Điểm khác biệt giữa kinh doanh online và kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng là tôi có thể tận dụng phòng để trống để làm việc và làm kho. Hơn nữa, tôi có thể kinh doanh nhiều mặt hàng cùng lúc và thay đổi theo mùa vụ" - anh Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
Trước đây, công việc làm lễ tân khách sạn đem lại cho anh Nguyễn Văn Huy thu nhập 9 triệu đồng/tháng. Từ khi chuyển sang bán hàng online, thu nhập của anh khoảng hơn 13 triệu đồng/tháng. Những tháng dịch bệnh bùng phát mạnh như hiện nay, anh có thể thu tới gần 20 triệu đồng.
Không chỉ những mặt hàng hữu dụng, việc bán đồ ăn online cũng trở thành công việc giải pháp cho nhiều người trong mùa dịch Covid-19. Anh Nguyễn Ngọc Tiệp 24 tuổi, là một nhân viên tiếp thị phụ tùng ô tô quê ở Phú Xuyên (Hà Nội). Dịch bệnh, khiến công việc của anh bị ảnh hưởng không nhỏ.
Anh Nguyễn Ngọc Tiệp chia sẻ: "Trước đây tôi phụ trách tiếp thị tại các gara ô tô trên địa bàn Hà Nội. Dịch bệnh, khiến cho việc đi lại bị hạn chế và nhu cầu thay thế phụ tùng của người dân giảm mạnh. Mỗi tuần, tôi chỉ đi làm 4 hôm thay vì đi cả tuần như trước".
Có nhiều thời gian rảnh rỗi, anh Nguyễn Ngọc Tiệp kết hợp với một người bạn để kinh doanh mặt hàng đồ ăn trên mạng xã hội. Theo anh, việc kinh doanh online chỉ là nghề phụ nhưng trong thời gian dịch bệnh như hiện nay, công việc này có thể đem lại cho anh khoản tiền lời 150.000-200.000 đồng/ngày.
Chị Lê Thu Hằng, vốn là chủ một cửa hàng thời trang nhỏ trú tại phố Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội). Tình hình buôn bán trong mùa dịch hết sức khó khăn, chị phải tạm ngưng nhập hàng để tránh bị tồn đọng và lỗ vốn. Chị nảy ra ý định bán những mặt hàng cần thiết như khẩu trang, mỹ phẩm và dụng cụ chăm sóc sắc đẹp.
"Trong mùa dịch hiện nay, mọi người có nhiều thời gian rảnh để chăm chút cho bản thân hơn nên tôi lựa chọn những mặt hàng này. Tôi bắt đầu kinh doanh online từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam. Trung bình mỗi tháng, trừ chi phí tôi có thể thu lời 5-7 triệu đồng" - chị Lê Thu Hằng cho hay.
Tuy nhiên, chị Lê Thu Hằng cũng cho rằng, việc bán hàng online cũng gặp khó khăn trong việc giao hàng khi trong mùa dịch giá vận chuyển sẽ cao hơn ngày thường. Để tiết kiệm chi phí, những đơn hàng ở gần, chị tự đi giao cho khách, những đơn ở xa mới phải thuê shipper.
Theo anh Huy, anh Tiệp hay chị Hằng, việc bán hàng qua hình thức online hiện là hình thức kinh doanh được nhiều người lựa chọn và là công việc đem lại thu nhập khá trong mùa dịch lại có vốn đầu tư ít, chủ động trong công việc. Tuy nhiên, những người làm nghề này cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, khi dịch bệnh được kiểm soát công việc này sẽ không đem lại lợi nhuận cao nữa.