1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghệ An:

Tranh thủ vụ Đông Xuân, "người vận chuyển" kiếm tiền triệu mỗi ngày

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Thời điểm này, nông dân tại nhiều địa phương của Nghệ An đang hối hả thu hoạch vụ lúa Đông Xuân. Đây cũng là dịp dịch vụ vận chuyển thóc nở rộ, có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ công việc này.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ dịch vụ chở thóc

Những ngày trung tuần tháng 5, thay vì chạy xe chở keo như mọi khi, anh Dương Ngọc Vấn (SN 1981, ở xã Quang Thành, huyện Yên Thành) đã dùng chiếc công nông để làm công việc của "người vận chuyển" lúa cho nhiều gia đình trên địa bàn xã Quang Thành.

Tranh thủ vụ Đông Xuân, người vận chuyển kiếm tiền triệu mỗi ngày - 1

Từ sáng sớm, người dân đã xếp hàng chờ đến lượt để chở thóc về nhà.

Tùy thuộc vào quãng đường gần hay xa, anh Dương Ngọc Vấn sẽ nhận được tiền công từ 100.000 - 200.000 đồng/chuyến. Trung bình mỗi ngày, anh Dương Ngọc Vấn vận chuyển khoảng 10- 15 chuyến, trừ chi phí anh sẽ bỏ túi 1 -1,5 triệu đồng/ngày.

"So với chạy xe chở keo thì làm nghề vận chuyển thóc kiếm ra tiền hơn. Nhưng đây là việc thời vụ, chỉ ngày mùa người ta mới thuê nên thời gian này tôi phải tranh thủ làm cả ngày lẫn đêm", anh Dương Ngọc Vấn chia sẻ.

Tranh thủ vụ Đông Xuân, người vận chuyển kiếm tiền triệu mỗi ngày - 2

Thóc sau khi đãi xong được chất lên trên bờ ruộng.

Tuy nhiên, anh Vấn cho rằng, công việc vận chuyển thóc vất vả do thời tiết nóng tới 37 - 38 độ C. Công việc tuy vất vả nhưng có thu nhập nên anh Dương Ngọc Vấn cố gắng tận dụng khoảng thời gian này để làm thêm.

Cũng vào mùa gặt này, anh Trần Đức Đồng (ở xã Tây Thành, huyện Yên Thành) dường như không có thời gian nghỉ ngơi vì người dân liên tục gọi điện chở thóc. Điều này cũng dễ hiểu bởi trời đang nắng nóng, người dân cần chở thóc về để phơi cho kịp. Ngày cao điểm, anh phải chạy từ sáng đến tối mới xong việc.

Tranh thủ vụ Đông Xuân, người vận chuyển kiếm tiền triệu mỗi ngày - 3

Những người phụ nữ cũng tham gia bốc thóc lên xe.

"Khi máy gặt xong, thóc được đóng vào bao rồi bỏ lên bờ để chờ chủ ruộng chở về. Tuy nhiên, khi dịch vụ chở thuê thuận tiện, giá cả hợp lý nên người dân không còn dùng các phương tiện thô sơ như xe kéo tay hay xe trâu mà tất cả đều dựa vào máy móc", anh Đồng thông tin.

Theo anh Trần Đức Đồng, yêu cầu quan trọng nhất với "người vận chuyển" là sức khỏe tốt. Thời điểm này người dân đang bước vào mùa gặt đại trà nên nhu cầu chở thóc về nhà rất nhiều, trong khi đó số xe làm nghề vận chuyển thóc trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay nên khó đáp ứng được.

Tranh thủ vụ Đông Xuân, người vận chuyển kiếm tiền triệu mỗi ngày - 4

Anh Dương Ngọc Vấn cho biết: Trung bình mỗi ngày, anh chở khoảng 10-15 chuyến, trừ chi phí anh bỏ túi 1-1,5 triệu đồng/ngày nhưng vẫn không làm hết việc.

"Nhiều hôm, người dân gọi điện đặt lịch trước, có nhiều người còn đến tận nhà tôi ngồi lên xe để chỉ ruộng luôn. Ngoài tiền công, tôi còn được khách bo thêm 20-30.000 đồng tiền uống nước", anh Đồng cho biết thêm.

Chia sẻ thêm về công việc, anh Phan Trọng Thông (ở thôn Đông Nam, xã Quang Thành, huyện Yên Thành), một "người vận chuyển", phấn khởi: "Mỗi vụ gặt thường diễn ra trong khoảng 10-15 ngày. Nếu hoạt động hết thời gian thì cả vụ tôi kiếm được 15-20 triệu đồng tiền vận chuyển. So với ngày thường dùng để chở keo, sò thì thu nhập chỉ được khoảng 200-400.000 đồng/ngày".

Tranh thủ vụ Đông Xuân, người vận chuyển kiếm tiền triệu mỗi ngày - 5

Nhiều người dân phải chờ rất lâu đến lượt có xe vận chuyển.

Theo người dân địa phương, vụ Đông Xuân năm nay được mùa, trung bình năng suất lúa đạt từ 3-5 tạ thóc/sào. Trước đây, gặt xong phải chuẩn bị phương tiện, gia đình nào không có thì phải đi mượn xe, rất mất thời gian. Khi có dịch vụ vận chuyển thuê, người nông dân chỉ cần bỏ ra một ít tiền là máy móc làm thay người, vừa tiết kiệm được thời gian và đảm bảo sức khỏe.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phan Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Quang Thành, huyện Yên Thành cho biết: "Sau khi thu hoạch xong, người dân chỉ bỏ ra một khoản tiền rất nhỏ để đem thóc về nhà. Việc này vừa nhanh gọn, vừa để người dân tránh nắng nóng". 

"Nắm bắt được nhu cầu của người dân nên dịch vụ vận chuyển thóc về nhà đã diễn ra rầm rộ. Theo tôi đây là một việc làm rất tốt, người dân sẽ kịp tiến độ gieo cấy vụ sau còn người vận chuyển lại có thu nhập cao", ông Tiến cho biết thêm.