1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ngành nghề nào có lao động mất việc, đăng kí trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất?

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Tính tới tháng 10/2022, nhân viên bán hàng, kỹ thuật viên điện tử, kế toán, thợ may thêu, kỹ thuật xây dựng là những ngành nghề có lượng lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tính đến tháng 10/2022 đơn vị này ghi nhận hơn 61.400 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, 70% người đăng ký hưởng trợ cấp từ 25 đến 40 tuổi, tỷ lệ nữ cao hơn nam. Mức hưởng bình quân 4,35 triệu đồng mỗi tháng với thời gian hưởng 5,5 tháng.

Xét theo ngành nghề, nhân viên bán hàng (5184 người), kỹ thuật điện tử (4333 người), kế toán (3674 người) là ba nhóm đăng ký trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất.

Ngành nghề nào có lao động mất việc, đăng kí trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất? - 1

Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Nguyên nhân thất nghiệp là chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn, hết hạn hợp đồng, doanh nghiệp phá sản, thay đổi cơ cấu. Hơn 60% lao động trước khi thất nghiệp làm việc trong doanh nghiệp tư nhân; 20% trong doanh nghiệp FDI...

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội - Vũ Thị Thanh Liễu cho hay, quý II, III thường ghi nhận người lao động đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn so với đầu hoặc cuối năm. Riêng quý III bình quân mỗi tháng gần 8.000 người.

Lí giải cho sự chênh lệch này, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội cho biết, số lượng năm nay tăng so với cùng kỳ 2021 một phần vì năm ngoái ảnh hưởng của dịch, lượng người đến làm hồ sơ ít hơn, phần nữa do vào dịp cuối năm lao động chờ nhận lương, thưởng và các khoản phúc lợi. 

"Tình trạng lao động thất nghiệp dịp cuối năm vẫn xảy ra, song không ồ ạt như phía Nam. Hà Nội chưa ghi nhận hiện tượng mất việc tập thể", bà Liễu cho hay.

Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm lý giải nếu xảy ra tình trạng nêu trên thì doanh nghiệp sẽ liên hệ với trung tâm để giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong 3 tháng tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thành để làm thủ tục.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng (Không quá 23.400.000 đồng đối với vùng I; không quá 20.800.000 đồng đối với vùng II; không quá 18.200.000 đồng đối với vùng III; không quá 16.250.000 đồng đối với vùng IV).