Tiền đóng bảo hiểm xã hội thay đổi ra sao khi tăng lương từ 1/7/2023?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Khi tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), trần lương đóng BHXH bắt buộc, mức hưởng lương hưu… đều sẽ thay đổi.

Ngày 11/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, cả nước thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1.800.000 đồng/tháng, tăng 20,8% so với hiện hành (1.490.000 đồng/tháng).

Tiền đóng bảo hiểm xã hội thay đổi ra sao khi tăng lương từ 1/7/2023? - 1

Lương cơ sở tăng làm thay đổi nhiều chế độ BHXH (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Lương cơ sở tăng không chỉ giúp thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (những người hưởng lương hệ số theo lương cơ sở) mà còn thay đổi tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo quy định hiện hành tại khoản 3 Điều 89 Luật BHXH 2014, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tối đa là bằng 20 lần mức lương cơ sở, bất kể mức lương và phụ cấp lương của người lao động là bao nhiêu.

Với mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tối đa là 29.800.000 đồng. Nhưng khi áp dụng mức lương cơ sở mới, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tối đa là 36.000.000 đồng.

Thay đổi thứ 2 là mức đóng BHXH sẽ tăng.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 2 và Khoản 1 Điều 89 Luật BHXH 2014, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đều dựa vào lương cơ sở.

Do đó, khi lương cơ sở tăng thì tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của 2 nhóm này cũng tăng theo.

Thay đổi thứ 3 là mức hưởng lương hưu cũng sẽ tăng.

Theo Điều 63 Luật BHXH 2014, đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016, mức hưởng lương hưu được căn cứ vào mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí. Trong trường hợp lương cơ sở tăng, mức hưởng lương hưu cũng sẽ tăng theo.

Ngoài ra, khi lương cơ sở tăng thì nhiều khoản trợ cấp BHXH căn cứ theo lương cơ sở cũng tăng như trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau; trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi; dưỡng sức sau thai sản; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng; trợ cấp một lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp hằng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; dưỡng sức sau điều trị…

Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết các quy định trong Luật BHXH 2014 TẠI ĐÂY.