1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ngân sách dư 263.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương từ 2024

Hoa Lê
Định hướng cải cách tiền lương

(Dân trí) - Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan xây dựng khung ngân sách Nhà nước cho 3 năm tới, trong đó có đề xuất lộ trình thực hiện cải cách tiền lương.

Nguồn tiền cải cách tiền lương

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 74 năm 2022 của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đến cuối 2021, nguồn cải cách tiền lương từ ngân sách Trung ương chưa sử dụng khoảng 54.517 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng dư tiền dành cải cách tiền lương là 208.457 tỷ đồng.

Hiện nay, quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương được quy định tại Nghị quyết 27 của Trung ương, Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025.

Bộ Tài chính sẽ rà soát, thống kê và báo cáo Quốc hội đầy đủ nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành, địa phương đến ngày 31/12/2022.

Công tác xây dựng dự toán ngân sách phải đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ và lộ trình tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương.

Ngân sách dư 263.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương từ 2024 - 1

Xây dựng lộ trình cải cách tiền lương (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn)

Hiện, Bộ Tài chính đang xây dựng khung ngân sách Nhà nước 2024, kế hoạch ngân sách 3 năm 2024-2026, trong đó đề xuất lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Trên cơ sở đó sẽ dự kiến việc sử dụng nguồn này để thực hiện cải cách tiền lương.

Nghị quyết kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6, dự kiến diễn ra tháng 10.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 chiều 19/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024.

"Đây cũng là một cú hích cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa", ông Huệ nhận định.

Hiện, các cơ quan đang tích cực chuẩn bị về nguồn lực, thể chế, chính sách thang bảng lương... để thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương.

Giải quyết tình trạng công chức nghỉ việc

Theo báo cáo tổng hợp về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4, Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới.

Chính sách tiền lương mới phải bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu của Nghị quyết số 27, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27.

Trong quá trình xây dựng các phương án, phải đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 gồm: Tăng mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp; mở rộng quan hệ tiền lương; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp; bổ sung quỹ tiền thưởng; đồng thời, đề xuất Phương án điều chỉnh các năm tiếp theo...

Ngân sách dư 263.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương từ 2024 - 2

Cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Bên cạnh đó, Chính phủ đang hoàn thiện "Báo cáo lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương sau năm 2023 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018" trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trước đó, trong thời gian chưa thực hiện cải cách tiền lương, để kịp thời tháo gỡ tình trạng công chức nghỉ việc, thôi việc trong thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%), thực hiện từ ngày 1/7/2023.

Tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.