Khẩn trương báo cáo Chính phủ phương án cải cách tiền lương
(Dân trí) - Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương, theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra sáng 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát nhiều kết quả quan trọng về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn và đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhận định còn nhiều rủi ro tiềm ẩn, lạm phát dù được kiểm soát vẫn chịu nhiều sức ép, điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục gặp khó khăn…
Trước thực tế đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt tinh thần kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; kiên quyết không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; kiên quyết bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt xử lý những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Đề cập giải pháp về đầu tư, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường hợp tác công tư, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng.
Trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Tập trung triển khai Quy hoạch điện VIII, rà soát quy định pháp luật để có hướng dẫn cụ thể về đầu tư lưới điện truyền tải, đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn và chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng (điện, xăng dầu)… cũng là nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại yêu cầu xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và vi phạm pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước được giao tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên.
"Ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ và thấu hiểu, đặt mình vào địa vị người khác để xử lý công việc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; chủ động nghiên cứu, kịp thời đề xuất giải pháp để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Cũng liên quan đến tiền lương, Bộ Nội vụ được giao khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương.
10 điểm nổi bật trong 8 tháng đầu năm
1. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
2. Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, là điểm sáng và là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn.
3. Khu vực công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so cùng kỳ.
4. Khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá cao. Khách quốc tế 8 tháng đầu năm đạt 7,8 triệu lượt - gấp 5,4 lần so với cùng kỳ.
5. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt gần 300.000 tỷ đồng, đạt 42,1% kế hoạch.
6. Tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng tích cực hơn, tháng 8 có trên 14.000 doanh nghiệp thành lập mới. Tính chung 8 tháng có 149.400 doanh nghiệp gia nhập thị trường.
7. Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm lớn, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm.
8. Tình hình chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông, thiệt hại do thiên tai, cháy nổ giảm.
9. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và toàn xã hội.
10. Đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng lên.