1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Mức lương năm 2014 tăng khoảng 10 %

Đây là kết quả khảo sát lương của 473 công ty với hơn 164.700 nhân viên tại Việt Nam do Mercer - công ty tư vấn nhân sự hàng đầu trên thế giới và đại diện tại Việt Nam (công ty Talentnet) công bố ngày 6/10 tại TPHCM.

Chênh lệch lương ở cấp độ quản lý
Xu hướng tăng lương theo ngành

Khảo sát lương năm 2014 do Mercer, công ty hàng đầu thế giới về tư vấn nhân sự và đại diện tại Việt Nam, Talentnet đã thu hút 473 công ty tham gia đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, chủ yếu là ngành công nghệ, hàng tiêu dùng, dược phẩm, hóa chất và sản xuất, thu thập dữ liệu lương thưởng từ hơn 164.794 nhân viên trên khắp Việt Nam.

Kết quả khảo sát này được xem là bảng báo cáo lương, thưởng lớn nhất và chi tiết nhất ở Việt Nam trong vòng 15 năm qua.

Bà Hoa Nguyễn, trưởng bộ phận Khảo sát lương và Tư vấn nhân sự theo phương pháp Mercer của Talentnet nhận định: “Với điều kiện kinh doanh không có nhiều thay đổi và lạm phát được dự báo thấp hơn, mức tăng lương năm 2014 (10.4%) là ngang bằng với năm ngoái và được dự báo sẽ duy trì đến năm sau.”

Do không chịu tác động từ các biến động kinh tế nhiều như những ngành khác, Dược phẩm, Hàng tiêu dùng và Hoá chất là ba ngành có tỉ lệ tăng lương cao nhất với mức tăng xấp xỉ 11%.
Xu hướng tăng lương trong tương quan với lạm phát và GDP
Xu hướng tăng lương trong tương quan với lạm phát và GDP

Ngược lại, ngành dịch vụ tài chính bao gồm bất động sản và ngân hàng có tỉ lệ tăng lương thấp nhất ở mức 8.4% và 8.9%, do nhu cầu thị trường có xu hướng giảm trước điều kiện kinh tế còn nhiều biến động.

Xét theo vị trí công tác, các công việc kỹ sư có mức lương cao nhất so với thị trường, cao hơn 3.5%, liền sau là tài chính, kế toán (cao hơn thị trường 1.2%) và luật (0.7%). Trong khi đó, công việc bán hàng qua điện thoại, và sản xuất có tỷ lệ lương thấp nhất so với thị trường (thấp hơn 16% và 15.8% so với thị trường).

Theo kết quả khảo sát, sự chênh lệch mức chi trả giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vẫn ở mức cao là 30%. Ngoài ra, sự khác biệt đang dần được nới rộng từ cấp chuyên viên đến cấp quản lý và Ban Giám Đốc.

Các doanh nghiệp trong nước thường chi trả mức thưởng cao hơn các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại, để thu hút nhân tài, doanh nghiệp trong nước sẵn lòng chi trả vượt quá khoảng lương cho vài vị trí chủ chố hoặc cấp cao.

“Tuy nhiên, sẽ mất một vài năm nữa để mức chi trả ở các doanh nghiệp lớn trong nước theo kịp với các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại, để thu hút, khuyến khích và giữ chân các nhân viên tài năng, doanh nghiệp trong nước thường sử dụng các ưu đãi như cấp cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu…” – Bà Hoa cho biết.
Tỷ lệ thưởng theo cấp bậc nhân viên
Khảo sát gói phúc lợi cho nhân viên

Xét thêm về các khoản thưởng, ngành ngân hàng và dầu khí có mức thưởng cao nhất tương ứng 22,7% và 17,7%, trong đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn chi trả cao hơn doanh nghiệp nước ngoài.

Ngành thương mại và công nghệ là hai ngành có mức thưởng thấp nhất so với thị trường. Ban Giám Đốc và cấp quản lý có mức thưởng cao nhất thị trường, nhưng không khác biệt so với năm ngoái.

Theo khảo sát lương, thưởng và phúc lợi 2014, các gói phúc lợi cho nhân viên vẫn khá tương đồng như năm ngoái. Nếu bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế cá nhân (ngoại trú và nội trú) được dùng phổ biến ở các cấp, các phúc lợi khác như bảo hiểm nhân thọ và xe hơi được dùng để thu hút và giữ chân nhân tài ở cấp quản trị.

Nhìn chung, tỷ lệ nghỉ việc năm 2013 ở các ngành giảm từ 2-3% so với năm 2012. Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc năm 2013 đạt mức thấp nhất trong 5 năm qua với 12,2% ở các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngành Dược phẩm, Hàng tiêu dùng và Bảo hiểm chứng kiến tỷ lệ nghỉ việc cao nhất, xảy ra do sự khan hiếm nhân lực giỏi. Ngoài ra, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp nước ngoài thấp hơn so với các doanh nghiệp trong nước (12,2% và 17,1%).
Chênh lệch giữa mức lương của DN trong nước và DN FDI

Chênh lệch giữa mức lương của DN trong nước và DN FDI

Trưởng phòng kinh doanh, chuyên viên bán hàng và trưởng phòng tiếp thị vẫn là nhóm 3 công việc hot, được các công ty săn đón tuyển dụng và giữ chân nhiều năm qua.

Trong nghững năm kinh tế khó khăn, vị trí quản lý bán hàng càng trở nên quan trọng đối với doanh nghiệp hơn so với vị trí tiếp thị vì nguồn doanh thu trực tiếp mang về cho doanh nghiệp.

Số lượng các doanh nghiệp trong nước tham gia khảo sát năm nay tăng so với năm ngoái chứng tỏ rằng các doanh nghiệp ngày càng xem xét hệ thống lương thưởng một cách khá nghiêm túc. Các doanh nghiệp đều mong muốn cải thiện và kiểm soát quỹ lương thưởng hiệu quả hơn.

Để nắm rõ độ cạnh tranh của mức lương, thưởng và trợ cấp của doanh nghiệp so với toàn thị trường, các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia khảo sát và chi tiền cho báo cáo lương thưởng, từ đó giúp đưa ra các quyết định.

Tham gia khảo sát cũng giúp các doanh nghiệp kiểm soát, phân bổ quỹ lương tốt hơn để khuyến kích được nhân viên. Khảo sát lương cũng là một nguồn tham khảo uy tín khi các doanh nghiệp muốn linh hoạt chính sách chi trả để thu hút và giữ chân nhân tài.
Phan Minh