Một tháng, TPHCM có 18.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp
(Dân trí) - Những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn TPHCM có 77.468 trường hợp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM vừa có báo cáo hoạt động những tháng đầu năm 2023. Theo đó, tháng "cao điểm" nhất, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã tiếp nhận 17.729 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 18.469 trường hợp, tiếp nhận 55.147 lượt người lao động đến tìm kiếm việc làm.
Trong khi đó, những đầu năm, thành phố chỉ tiếp nhận 64.860 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 58.999 trường hợp. Trung bình mỗi tháng chỉ giải quyết khoảng 10.000 hồ sơ. Như vậy, số hồ sơ giải quyết thất nghiệp trong tháng vừa qua cao hơn mức trung bình các tháng đầu năm khá nhiều.
Chỉ riêng với công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM), Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 4.000 lao động thôi việc trong đợt 1 (chấm dứt hợp đồng lao động vào cuối tháng 6).
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TPHCM đã có 82.589 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, 77.468 trường hợp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tiếp nhận 600.561 lượt người lao động tìm kiếm việc làm.
So với cùng kỳ năm 2022, số trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 5.066 trường hợp (tăng 6,53%), có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 3.251 trường hợp (tăng 4,38%).
Tuy nhiên, trong tháng vừa qua, các thành phần kinh tế cũng đã giải quyết việc làm cho 26.669 lượt người, cơ bản đáp ứng nhu cầu công việc mới của người lao động mất việc.
Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho 189.791/300.000 lượt người (đạt 63,26% kế hoạch), trong đó số chỗ việc làm mới là 84.898/140.000 chỗ (đạt 60,64% kế hoạch). So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,12%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,18%.
Để kết nối cung cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố cũng đã tổ chức 16 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn giới thiệu việc làm cho 69.561 lượt người.
Tính đến cuối tháng 6, trung tâm đã tổ chức 75 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn việc làm cho 308.038 lượt người, giới thiệu việc làm cho 89.959 lượt người và có 55.403 người nhận việc.
Về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp đã đưa 4.595 lao động đi làm việc ở các nước. Lao động chủ yếu đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan làm việc với các ngành nghề chế biến thực phẩm, đóng gói, điều dưỡng.
Theo Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp; cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Ngoài ra, theo Điều 51 Luật Việc làm 2013, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế miễn phí do được Quỹ BHTN đóng thay.
Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động thất nghiệp mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Căn cứ theo Điều 55 và 56 Luật Việc làm 2013, người lao động thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng.
Theo Điều 43 Luật Việc làm 2013, 2 nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia BHTN là người lao động làm việc có giao kết hợp đồng và đơn vị sử dụng lao động.
Người lao động được tham gia BHTN khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: không xác định thời hạn; xác định thời hạn; theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Ngoại trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu hay trợ cấp mất sức hàng tháng nhưng tiếp tục đi làm thêm có hợp đồng lao động thì sẽ không thuộc diện bắt buộc phải tham gia BHTN.
Điều kiện thụ hưởng chính sách là người tham gia BHTN phải là người lao động đang tham gia hợp đồng lao động, đang là người lao động của một đơn vị, doanh nghiệp và được trả lương hàng tháng. Mức lương đó là căn cứ để tính toán mức đóng vào quỹ BHTN của người lao động.