Quảng Nam:

Lao động thất nghiệp nhiều, đặt hi vọng ở sàn giao dịch việc làm

Công Bính

(Dân trí) - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, càng nhiều người thất nghiệp, các sàn giao dịch việc làm càng cần tổ chức hiệu quả để mang lại cơ hội tìm việc cho người lao động.

Ngày 6/7, Trường Cao đẳng Quảng Nam phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam tổ chức ngày hội việc làm cho học sinh, sinh viên của trường.

Ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam - cho biết trong phiên chợ việc làm này, có 31 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng khoảng 6.500 lao động để cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước.

Lao động thất nghiệp nhiều, đặt hi vọng ở sàn giao dịch việc làm - 1

Doanh nghiệp tư vấn việc làm cho sinh viên, học sinh Trường Cao đẳng Quảng Nam tại phiên giao dịch việc làm ngày 6/7 (Ảnh: Công Bính).

Ngoài ra, một số doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc theo hợp đồng ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… với số lượng 1.500-2.000 lao động.

Chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí về việc hiện nhiều doanh nghiệp cắt giảm việc làm, người lao động mất việc, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam xác nhận tình trạng cắt giảm việc làm của một số doanh nghiệp hiện nay.

Những lao động thất nghiệp đều cần việc làm mới. Do đó, rất cần thiết mở phiên chợ việc làm để kết nối giới thiệu việc làm đến lực lượng này.

"Doanh nghiệp khó khăn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng khó khăn, vẫn có nơi có nhu cầu tuyển dụng lao động. Những đơn vị cần tuyển, người lao động cần được biết. Do đó, Trung tâm tổ chức sàn giao dịch để làm cầu nối giữa người lao động và các doanh nghiệp với nhau.

Càng có nhiều người thất nghiệp, càng phải tổ chức hiệu quả sàn giao dịch để người lao động nắm bắt thông tin thị trường, tìm cơ hội việc làm mới", Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam chia sẻ.

Ông Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quảng Nam - cho hay, phiên giao dịch việc làm nhằm mục đích tạo cầu nối để học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và đã tốt nghiệp của trường gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để tìm hiểu thị trường lao động, về cơ hội việc làm phù hợp với năng lực, chuyên ngành của sinh viên.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá thương hiệu và phỏng vấn tuyển dụng với học sinh, sinh viên nhà trường, đáp ứng vị trí việc làm của các doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Hồng Chương, hiện các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhu cầu tuyển dụng hơn 20.000 lao động với các ngành nghề như điện dân dụng, điện công nghiệp, xây dựng, công nghệ ô tô, cơ khí, hàn, may mặc, chăn nuôi thú y, kế toán, quản trị khách sạn, lễ tân, pha chế đồ uống…