1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Mong ước của những công nhân mất việc, giảm thu nhập

Với những CN mất việc, giảm thu nhập, cuộc sống của họ đang rất khó khăn. Vì vậy, mong ước của họ rất nhỏ nhoi: Có thể tìm được một việc làm, dù là việc làm “ráo mồ hôi là hết tiền” để trang trải ở mức tối thiểu cuộc sống của cả gia đình mình.

Mong ước của những công nhân mất việc,  giảm thu nhập - 1

Với những CN mất việc, giảm thu nhập, cuộc sống của họ đang rất khó khăn. Vì vậy, mong ước của họ rất nhỏ nhoi: Có thể tìm được một việc làm, dù là việc làm “ráo mồ hôi là hết tiền” để trang trải ở mức tối thiểu cuộc sống của cả gia đình mình.

Thu nhập giảm do dịch Covid-19

Tại “Phiên chợ CN - giá 0 đồng” do Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam tổ chức vừa qua, một trong những món đồ mà chị Nguyễn Thị Nga - CN một công ty điện tử thuộc Khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn 2 - chọn trong gói 100.000 đồng miễn phí là giấy bút cho con.

“Cháu đang đi học nên rất cần giấy bút. Dù hôm nay chỉ mua được một ít nhưng cũng đỡ phần nào cho vợ chồng chúng tôi trong chi phí học hành của các cháu” - chị Nga cho biết.

Ngoài giấy, bút, chị Nga còn mua nước mắm, đường, nước rửa bát, kem đánh răng. Tổng cộng là 100.000 đồng (miễn phí).   

“Do dịch Covid-19 nên tháng vừa rồi, tôi chỉ đi làm theo giờ hành chính 8 tiếng một ngày, một tháng vẫn đủ 26 công, nhưng thu nhập giảm nhiều vì không có làm thêm. Trước kia làm tăng ca, làm thêm thì được khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, nhưng bây giờ không tăng ca, làm thêm thì chắc chắn thu nhập sẽ giảm” - chị Nga nói. 

Chị Nga cho hay, tuy chưa lĩnh lương tháng này, nhưng chị đoán thu nhập chỉ 4-5 triệu đồng trở xuống, trừ khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội thì còn khoảng 4 triệu đồng. 

Thu nhập giảm, nhưng gia đình chị với 4 thành viên vẫn phải chi tiêu với rất nhiều khoản như: Tiền học của các con, tiền điện nước, ăn uống… Chị Nga mong tình trạng này sớm qua đi để chị có công việc, thu nhập ổn định để cuộc sống gia đình mình được tốt hơn.

Không dám kén việc

Không may mắn giữ được việc làm như chị Nga, chị Nguyễn Thị Huê (xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) bị mất việc 2 tháng nay. Trước đây, chị là CN Công ty Texhong (thành phố Thái Bình). 

Bình thường, cuộc sống gia đình chị rất khó khăn. Với thu nhập của CN, lao động tự do, vợ chồng chị phải nuôi cháu lớn đang học đại học, cháu nhỏ học lớp 1.

“Học phí của cháu lớn (đang học đại học) mỗi tháng hết 4 triệu đồng, cộng với tiền ăn ở, thuê phòng trọ nữa tổng cộng hết khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Cháu bé mới học lớp 1 thì chỉ hết 500.000 đồng/tháng tiền ăn; đầu năm học mất khoảng 2-3 triệu đồng. Vì vậy, khi tôi còn có việc làm, hai vợ chồng phải cố gắng lắm mới lo đủ cho hai con. Ông bà nội, ngoại, người thân cũng hỗ trợ, động viên gia đình nhiều thì vợ chồng tôi mới có thể cáng đáng được” - chị Huê kể.

Từ khi mất việc, chị Huê chỉ quanh quẩn dọn dẹp nhà cửa. Chị cũng đã đi vài nơi để tìm việc làm, nhưng do dịch Covid-19, nên hầu như các công ty không có nhu cầu. Hơn nữa, độ tuổi 38 của chị cũng là một trở ngại lớn.

Gần đây, cháu thứ hai bắt đầu đi học trở lại, nhưng chưa được học bán trú nên chị vẫn phải đưa đón cháu. Đợt này, chị thường xuyên phải vay mượn người thân để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.

Nói về dự định tương lai, chị Huê lắc đầu, nói chưa biết được sẽ đi làm gì. “Bây giờ có tuổi rồi, rất khó tìm việc, nên nếu kiếm được việc gì thì tôi sẽ làm việc đấy để kiếm tiền nuôi gia đình, chứ không dám kén chọn. Tôi không loại trừ sẽ đi làm phu hồ. Sắp tới, con út đi học bán trú, tôi sẽ có thêm thời gian để đi kiếm việc. Tôi vẫn muốn làm CN để có thu nhập ổn định” - chị Huê cho hay.

Theo Bảo Hân

Lao động