Tăng cường năng lực của cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

(Dân trí) - Làm sao để nâng cao công tác đào tạo lao động thất nghiệp, gắn kết doanh nghiệp với đào tạo, nâng cao hệ thống CNTT, đảm bảo chế độ đãi ngộ đội ngũ nhân sự làm công tác bảo hiểm thất nghiệp...

Tăng cường năng lực của cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp - 1

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH)

Đây là những nội dung được bàn thảo tại Hội thảo Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”. Chương trình do Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức sáng 22/5 tại Quảng Ninh.

Nhu cầu nâng cao chất lượng

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Trong hơn 10 năm qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã hỗ trợ tích cực người lao động khi gặp khó khăn về việc làm. Đặc biệt trong dịch Covid-19 vừa qua, BHTN đã thể hiện rõ nét vai trò “bà đỡ” cho người lao động khi bị mất việc làm do dịch bệnh.

Ý kiến các đại biểu dự Hội thảo về nâng cao năng lực cơ quan thực hiện BHTN

Bên cạnh những ưu điểm trên, ông Vũ Trọng Bình cũng nhận định, chính sách BHTN vẫn còn chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức.

"Chính sách BHTN còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn nhiều điểm bất cập..." - ông Vũ Trọng Bình cho biết.

“Những điểm trên cũng đã được chỉ rõ tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” - ông Vũ Trọng Bình cho biết.

Đây là thực tế và đòi hỏi những chính sách bổ sung, sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động. Được biết, Cục Việc làm đang xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) trong có có các nội dung về bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, việc đánh giá lại về năng lực và hiệu quả hoạt động cũng như vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm nhằm nâng cao vị thế, vai trò đối với việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp nói riêng là điều cần thiết.

Tăng cường năng lực của cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp - 2

Theo ông Vũ Trọng Bình, hoạt động của các trung tâm còn trong phạm vi địa phương, tính liên kết còn yếu, còn nặng về khâu giải quyết trợ cấp thất nghiệp mà chưa có nhiều hoạt động chủ động, tích cực của chính sách thị trường lao động.

“Nhân sự làm chuyên môn BHTN chưa có tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp. Đồng thời, nhân sự còn được giao theo định suất lao động và nhân sự hợp đồng. Do vậy, nhân sự chưa được hưởng các chế độ đãi ngộ như viên chức dẫn đến sự tận tâm và gắn bó với công việc còn là thách thức” - ông Vũ Trọng Bình cho biết.

Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, số định suất lao động chưa được bổ sung cũng là khó khăn đối với các địa phương có số lượng người thất nghiệp lớn.

Tăng cường năng lực của cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp - 3

Điều chỉnh chính sách

Đứng ở góc độ địa phương, ông Lê Đình Tùng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá, đánh giá cao ý nghĩa của việc chuẩn hoá công tác BHTN, đặc biệt là việc chú trọng nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng góp ý: “Các trung tâm hiện còn tập trung nhiều về công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp việc tư vấn. Trong khi đó, việc hỗ trợ việc làm và tổ chức đào tạo nghề còn chưa được chú trọng”.

Ngoài ra, còn nhiều đề xuất được các đại biểu góp ý, như: Nâng cấp hệ thống phần mềm giải quyết hưởng BHTN; kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, kiểm soát trục lợi BHTN,…

Đặc biệt là việc đánh giá đúng ngành nghề đào tạo và từng nhóm đối tượng để xây dựng chương trình phù hợp.

“Đơn cử như việc đào tạo ngoại ngữ cũng là điều quan trọng. Bởi người lao động có ngoại ngữ thì cũng tăng cường đối thoại với chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp FDI” - ông Tùng nói.

Về nhân sự làm công tác BHTN, ông Tùng cho rằng đây là một vấn đề tồn tại nhiều năm qua. “Trung tâm DVVL Thanh Hóa khi mới thành lập có 8 người, sau đó là 11 và tới nay là 14 biên chế. Trong khi đó, số lao động thất nghiệp ngày càng tăng”.

Tăng cường năng lực của cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp - 4

Ông Tùng dự báo, dịch Covid-19 sẽ khiến số lao động tăng lên khoảng 30.000 người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp năm 2020. Do vậy, các trung tâm rất cần tăng cường hơn nữa về công tác đào tạo nhân sự, tập huấn kỹ năng CNTT.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Long - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên, nhấn mạnh: “Cốt lõi của Đề án chính là xây dựng và củng cố hệ thống chính sách. Nếu thực hiện tốt các chính sách sẽ là nền tảng triển khai tốt Đề án”.

Theo ông Long, số lao động thất nghiệp được tham gia học nghề tăng dần theo từng năm. Nhưng kết quả chưa đáp ứng được thực tế và cần có sự điều chỉnh chính sách cho hợp lý hơn.

“Những nghề được đào tạo như lái xe, nấu ăn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của nhiều người lao động và khó giúp họ quay trở lại thị trường lao động bền vững” - ông Long nêu ví dụ.

Ngoài ra, ông Long cũng kiến nghị việc cần nghiên cứu việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Bởi nhiều nghề được đào tạo ra doanh nghiệp chưa sử dụng nhiều.

“Thay vào đó, chúng ta cần xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động. Có như vậy mới bền vững và chính sách đi vào thực tế hơn” - ông Long giải thích.

 Hoàng Mạnh