Mại dâm: “Nếu công nhận nghề, chúng ta sẽ nói gì với con cháu?”
(Dân trí) - “Nếu công khai, anh chị em, họ hàng người làm nghề mại dâm nhìn họ ra sao? Còn con cái của họ, sau này chúng có dám thừa nhận với bạn bè là mẹ mình từng làm nghề mại dâm...Rồi vấn đề giữ gìn thanh danh, hỗ trợ người bán dâm sau khi giải nghệ?”
Đây là ý kiến của bạn đọc Mai Ka gửi tới Dân trí bày tỏ quan điểm về việc có nên coi mại dâm là một nghề trong xã hội hay không. Bài viết “Mại dâm: Tranh luận về việc có chấp nhận là một nghề đặc biệt?” đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc với các ý kiến phản biện trái chiều.
Tôn trọng ý kiến của bạn đọc, Dân trí xin trích quan điểm của bạn đọc theo 2 luồng ý kiến. Đây cũng là cơ hội để bạn đọc bày tỏ ý kiến về một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của xã hội. Đặc biệt khi các cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu, lắng nghe dư luận xã hội để có những điều chỉnh hợp lý trong việc xây dựng chính sách pháp luật về mại dâm.
Công dung ngôn hạnh sẽ ra sao?
Chia sẻ quan điểm về việc không công nhận mại dâm là một nghề công khai, bạn đọc Lilihbvn đưa ra câu hỏi: Nếu công nhận là 1 nghề thì phụ nữ sẽ mất đi công - dung - ngôn - hạnh?”.
Bạn đọc Liên Khanh lo lắng: Nếu coi là một nghề công khai thì đúng là quá khó. Ai sẽ là khách hàng, ai sẽ đáp ứng tiêu chí của nghề? Chưa kể nhìn nhận ra sao về hình ảnh của người làm nghề sau khi giải nghệ.
Không đồng ý có xu hướng tăng
Khảo sát của Dân trí về việc có coi mại dâm là một nghề được xã hội công nhân hay không. Với hình thức trả lời: Đồng ý hoặc không đồng ý. Tới 11h 15 phút ngày 9/4/2018, đã có 58,65 % bạn đọc trả lời đồng ý và 42,35 % bạn đọc trả lời đồng ý. Sau hơn 1 tuần đưa ra khảo sát, tỉ lệ bạn đọc bày tỏ quan điểm không đồng ý có xu hướng tăng lên.
Với bạn đọc Tống Quang Thọ, đang có sự lẫn lộn giữa khái niệm tệ nạn và nghề nghiệp. Chưa kể việc công nhận mại dâm là một nghề còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội và gia đình: “Chúng ta sẽ giáo dục con cái ra sao khi đó là một nghề hợp pháp?. Không nên vì một tệ nạn quản lý không được mà công nhận, sau này sẽ còn cờ bạc, trộm cắp, bảo kê. Chúng ta đừng để tệ nạn có cơ hội phát triển sau bao nhiêu năm chúng ta đã đấu tranh để đẩy lùi”.
Mạnh dạn đặt câu hỏi tới người đồng thuận mại dâm là một nghề, bạn đọc Tú Trụ bày tỏ: “Nếu con cháu của bạn chọn nghề đó, bạn đồng ý chứ?”.
Chưa hết, bạn đọc Tú Trụ còn phân tích việc bất hợp lý khi cho rằng chỉ cần quy hoạch mại dâm vào 1 khu vực thì sẽ dễ quản lý.
“Theo bạn có quy hoạch là mọi thứ sẽ vào đúng vị trí đó sao. Những nơi không được quy hoạch thì sẽ không có mại dâm?! Mình chỉ nêu quan điểm. Mỗi quốc gia có bản sắc riêng cần giữ gìn mà” - bạn đọc Tú Trụ bổ sung.
Chỉ về với vợ yêu thôi!
Một cách phản đối mại dâm khá đáng yêu, bạn đọc Thế Sơn thể hiện là người chồng nghiêm túc: “Ai muốn bàn gì thì bàn về mại dâm. Chứ tớ là cứ về với vợ iu thôi!”.
Đưa ra quan điểm có so sánh với các nước lân cận, bạn đọc Bình khẳng định mại dâm là điều xấu xa và tồn tại trong xã hội cũng như cờ bạc, ma túy, trộm cắp...
“Mỹ, Trung Quốc cùng có luật chống mại dâm. Nhiều người Thái Lan không vui với việc đất nước mình bị coi là "thiên đường mại dâm"? Hà Lan là một nước nhỏ ở Châu Âu, phong tục tập quán khác, không thể lấy làm mô hình cho Việt Nam. Xã hội phải có thái độ rõ ràng đó là tệ nạn, luật pháp phải cấm”.
Bạn đọc Bình khẳng định: Không vì không quản lý được mà dung túng, thỏa hiệp, kéo lùi sự pháp triển của đất nước, đi ngược trào lưu tiến bộ của nhân loại. Cấm vì nhân phẩm và phẩm giá con người, vì tương lai của con cháu chúng ta. Tệ nạn mại dâm còn dẫn tới các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
“Không cấm vẫn đi”
Trái ngược với dòng quan điểm phản đổi mại dâm là một nghề công khai trong xã hội, nhóm quan điểm ngược lại cũng có những lý luận riêng.
Bạn đọc Huy Dương thẳng thắn: “Dù có thừa nhận hay không, mại dâm vẫn diễn ra hàng ngày và hàng giờ. Sự khác nhau là công khai hay lén lút mà thôi. Vấn đề là có dám nhìn vào sự thật này không?”.
Bàn về lo ngại ảnh tưởng thuần phong mỹ tục, bạn đọc Bé cho rằng: “Các bạn thấy ở quốc gia nào cấm được chưa ạ. Đồng ý với bạn là phải giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng cái này mình thấy tốt hơn cho xã hội. Nhưng phải được sự quản lý sát sao của cơ quan chức năng. Những gì chúng ta không kiểm soát được thì hãy đưa nó đi vào khuôn khổ thì sẽ tốt hơn”.
Công nhận hay không người ta vẫn cứ đi?
Bạn đọc Châu Anh cho rằng: Đây là nhu cầu trong khi mỗi ngày đàn ông, phụ nữ độc thân càng nhiều. Để công nhận ngay rất khó, mà phải nghiên cứu các nước đi trước: Đối tượng nào được kinh doanh, giới hạn số lượng theo khu vực vùng miền như thế nào, kiểm tra khám sức khỏe, bệnh lây nhiễm ra sao... Công nhận hay không người ta vẫn cứ đi.
Cho rằng quản lý tập trung mại dâm sẽ tạo ra nhiều lợi ích, bạn Mạnh Cường chia sẻ: “Nếu đồng ý mại dâm là nghề thì sẽ có nhiều cái lợi: Kiểm soát được số lượng đối tượng, hạn chế được tội phạm, kiểm soát được bệnh tật, kiểm soát nguồn thu, tăng du lịch, an toàn xã hội cao hơn…”.
Thậm chí với nguy cơ khi không coi là một nghề, bạn Mạnh Cường cho rằng: “Chúng ta phải đối mặt với một cuộc chiến không có hồi kết mà hàng trăm năm nay chưa bao giờ chiến thắng”.
Đồng ý coi mại dân là một nghề, nhưng bạn đọc Nguyễn Văn Thu quan tâm nhiều tới yếu tố kỹ thuật trong quản lý: “Để quản lý nó một cách tốt nhất thì trước hết phải xây dựng một hành lang pháp lý thật chuẩn và đội ngũ thi hành luật phải nghiêm minh, trung thực. Ở xã hội loài người có hai thứ luôn xong hành, đó là cờ bạc và mại dâm. Cờ bạc thì đã từng bước cho phép chơi có quản lý thu thuế. Còn mại dâm thì chưa”.
Bày tỏ ý kiến về câu hỏi: “Nếu con cháu mình đi làm mại dâm thì bạn nghĩ sao?”, bạn đọc Lê Na có cách nhìn rất riêng: “Giả sử đứa cháu đó bỏ nhà, đi làm nghề mại dâm không cho gia đình bác biết. Nếu hoạt động không có phép như hiện nay, nó bị bảo kê, đầu gấu trấn áp, bóc lột. Giả sử mại dâm có quy hoạch và được kiểm soát, ít nhất nó được bảo vệ trước các loại tội phạm khác…”
Những quan điểm trung dung
Bạn đọc Bông Lúa gợi ý: Nếu không công nhận hoặc cấm hành nghề mại dâm thì hãy dạy nghề và tạo việc mới bền vững cho họ đi.
Bạn đọc Vũ Thu Minh cho rằng nghề gì cũng có hai mặt - được mặt nọ thì mất mặt kia. Cái chính là quản lý bằng cách nào và các cơ sở mại dâm sẽ hoạt động như thế nào. Bởi đây là một công việc rất tế nhị. Chúng ta sẽ cần phải nghiên cứu kỹ hơn.
Bạn đọc Nhatlinh nghi ngờ: Công nhận và cấp phép hành nghề liệu quản lý có đến nơi đến chốn ?
Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Phạm Huy bày tỏ: “Ngày xưa mại dâm là vì miếng cơm manh áo, là nạn nhân của tình dục chiến tranh... Giờ đây người hoạt động mại dâm đa số là ham chơi lười làm, không những có mà còn nhiều tiền. Nói đến đây chán rồi”.
Bạn đọc Đức Tú lưu ý về vấn đề pháp lý: Cứ bám vào thực tế mà xây dựng quy định cấm, đừng để tới 15 năm mới bàn sửa quy định thì quá chậm.
Hoàng Mạnh tổng hợp