Mại dâm: Tranh luận về việc có chấp nhận là một nghề đặc biệt?

(Dân trí) - “Nếu được, mại dâm nên được coi là một nghề đặc biệt với quy chế quản lý đặc biệt. Nếu như vậy sẽ tốt hơn tình trạng trôi nổi như hiện nay…” - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với báo giới về việc có nên công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp hay không.

Mại dâm: Tranh luận về việc có chấp nhận là một nghề đặc biệt? - 1

Khảo sát Dân trí tới 7h sáng ngày 6/4 cho thấy, có tới 66,9 % bạn đọc ủng hộ việc coi mại dâm là một nghề công khai. Đây mới chỉ là việc nêu quan điểm đồng ý hay không, chưa bàn tới những điều nội tại trong vấn đề này. Tuy nhiên, điều này lại cho thấy một thực tế cần xem xét mại dâm với cách nhìn cập nhật, thực tế trong bối cảnh hiện nay.

Đây cũng là điều thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong tuần qua, sau khi Bộ LĐ-TB&XH tổ chức một hội thảo về quan điểm định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm.

Vấn đề nhìn nhận mại dâm có được coi là một nghề hay không? Quản lý ra sao cho thực sự hiệu quả? Có nên hình sự hoá việc xử lý mại dâm? Nhìn nhận dưới góc độ đạo đức ra sao?...Đây là những câu hỏi được nhiều người quan tâm thời gian qua.

Phân tích về nội hàm của khái niệm nghề đặc biệt khi nói về mại dâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Trước hết là phạm vi công việc đặc biệt, có những điều có thể và không thể mô tả được. Nhưng người làm nghề phải được đăng ký và được cấp giấy phép hành nghề…Cơ sở quản lý phải được cấp giấy phép hành nghề đặc biệt và được quy hoạch. Tại đó, người làm việc được kiểm soát”.

Mại dâm là một hiện tượng xã hội có từ lâu đời, trải qua nhiều thời kỳ. Việc quản lý, thừa nhận tính công khai hay không đã và đang là vấn đề làm “đau đầu” các nhà quản lý của nhiều quốc gia.

Chia sẻ quan điểm nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lưu ý trước tiên về góc độ quyền con người. Ông cũng cho biết đã từng lắng nghe tâm tư của nhiều người hoạt động mại dâm bị xâm phạm sức khoẻ, đối xử tệ hại nhưng không biết kêu ai….

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng lưu ý tới tính thực tế. “Một số người nước ngoài, những công dân goá bụa hoặc đơn thân thì cần tính tới nhu cầu chính đáng của họ. Với công chức, đây là cách để hạn chế tình trạng giấu diếm, chui lủi và minh bạch hoá…” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Được biết, vấn đề quản lý mại dâm đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Tại Việt Nam, mại dâm bị coi là hoạt động phi pháp. Tuy nhiên, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (ra đời cách đây 15 năm) đã xuất hiện nhiều bất cập. Trong khi đó, mại dâm vẫn chưa thể ngăn cấm triệt để.

Thống kê của các địa phương, cả nước có 15.000 người tham gia hoạt động mại dâm. Trong khi đó, thống kê của Tổ chức lao động quốc tế còn tới hơn 100.000 người. Thực tế, việc xử lý người tham gia hoạt động mại dâm vẫn dừng ở các biện pháp hành chính.

Trong khi đó, xã hội đã xuất hiện nhiều hình thức mới của hoạt động mại dâm, như: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng Internet, zalo, Facebook…Ngoài ra, nhiều hình thức tội phạm liên quan tới mại dâm cũng xuất hiện.

Tại cuộc hội thảo do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức cuối tháng 3/2018, trả lời câu hỏi về việc mại dâm có được coi là một nghề công khai hay không, một vị lãnh đạo Cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề, thậm chí không thể mặc định việc coi đặc khu kinh tế, vui chơi giải trí là có hoạt động mại dâm.

Cũng theo vị lãnh đạo này, tại Việt Nam, đây là vấn đề liên quan đến thuần phong mỹ tục, đạo đức và lối sống. Vì tính chất đặc biệt phân tích như trên, không thể coi mại dâm đơn giản chỉ như các công việc đơn thuần khác trong xã hội. Do đó nếu công nhận mại dâm là một nghề chính thức thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp thì cần đáp ứng các yếu tố của tiêu chuẩn nghề, kỹ năng, giáo án…Đây là một điều khó thực hiện trong thời điểm hiện nay.

Được biết, Cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội đang xây dựng báo cáo về tổng quan chính sách pháp luật và sự cần thiết về xây dựng luật về mại dâm. Đây là những điều chỉnh cần thiết trước tình hình mới. Dự kiến, một đề án liên quan về mại dâm với những quy định điều chỉnh sẽ cần một lộ trình xây dựng ít nhất trong 2-3 năm tới.

Trong bối cảnh đó, những đánh giá và góp ý của dư luận sẽ là một kênh thông tin quý giá giúp các quản lý có cách nhìn tổng thể hơn về vấn đề này.

Hoàng Mạnh