Lương tối thiểu vùng: Mức chốt tại cuộc họp ngày 3/9 là bao nhiêu?
(Dân trí) - Sau 2 phiên đàm phán tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 không thành công. Cuộc họp ngày 3/9 là cơ hội cuối cùng để Tổng LĐLĐ VN và VCCI tìm ra con số chung. Tuy nhiên, khả năng Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia phải đứng ra chọn phương án cuối cùng là không nhỏ.
Khoảng cách lớn 6%
Lý do của việc Chủ tịch hội đồng tiền lương Quốc gia buộc phải đứng ra chọn phương án đề xuất tăng lương cuối cùng, bởi khoảng cách của 2 bên vẫn cách xa nhau.
Lần họp đầu tiên vào ngày 5/8, Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI), đại diện cho người sử dụng lao động, đề xuất từ 7-10 % tương đương với mức 250.000-350.000 đồng/mức cho 4 vùng lương.
Tổng LĐLĐ VN, đại diện cho người lao động đề xuất mức 16,7 % tương đương với mức 350.000-550.000 đồng/mức.
Sau 20 ngày, lần họp thứ 2 diễn ra vào ngày 25/8, VCCI và Tổng LĐLĐ VN vẫn bảo lưu mức đề xuất tăng của riêng mình. Khoảng cách của 2 mức đề xuất là khoảng 6%.
Phía Tổng LĐLĐ VN cho rằng năm 2014, các bên còn thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2015 hơn 14%. “Năm 2015 không có lý gì hạ mức tăng xuống. Tối thiểu mức tăng phải bằng năm trước, tương đương với mức 400.000 đồng/vùng” - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN nhận định.
Ngay tại cuộc họp, các bên đều để mở phương án đề nghị Hội đồng tiền lương chọn phương án nếu không có sự đồng thuận cuối cùng.
Thời gian đã quá gấp
Phát biểu sau cuộc họp Hội đồng tiền lương Quốc gia hôm 25/8 tại Hà Nội, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - cho rằng thời gian cho việc thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu không còn nhiều. Trong khi đó, khoảng cách 2 bên còn quá xa.
Trả lời về việc Chủ tịch Hội đồng tiền lương sẽ chọn phương án tăng cuối cùng, ông Phạm Minh Huân cho rằng đó chỉ là phương án cuối cùng khi không còn cách nào khác.
“Tôi vẫn mong muốn 2 bên có sự hài hòa và tìm ra tiếng nói chung. Tuy nhiên, 2 bên đều có những lý lẽ phân tích riêng của mình. VCCI tập trung về khía cạnh những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, sự tồn tại, cạnh tranh và phát triển.
Các bên đã hết “Quota” xin dừng họp. Theo quy định của Hội đồng tiền lương Quốc gia, trong mỗi đợt họp tăng lương cho năm sau, các bên đều có quyền xin dừng cuộc họp 1 lần. Hôm 5/8, phía VCCI đã xin dừng họp. Tiếp sau, hôm 25/8, Tổng LĐLĐ VN cũng đã xin dừng. Như vậy, cuộc họp tới đây vào ngày 3/9 sẽ là dịp cuối cùng để chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 trình Chính phủ phê duyệt.
Phía Tổng LĐLĐ VN phân tích nhu cầu cũng như thực trạng đời sống khó khăn của người lao động. Tuy nhiên phương án của các bên không gần lại được nhau. Tổng LĐLĐ VN vẫn đề xuất mức 16,7 %, đại điện của người sử dụng lao động đề nghị tăng trên 10%”.
Mặc dù lạc quan nhưng ông Phạm Minh Huân có những dự đoán riêng về trường hợp phiên họp ngày 3/9 bất thành: “Tôi đoán rằng cuối cùng Hội đồng sẽ phải chọn 1 phương án để trình Thủ tướng Chính phủ. Tất nhiên, chúng tôi sẽ phải tính kỹ vì sao Hội đồng lại chọn phương án đó, những tác động thuận và không thuận” - ông Phạm Minh Huân nói.
Mức chốt bao nhiêu vào ngày 3/9?
Khoảng cách 6 % giữa quan điểm của VCCI và Tổng LĐLĐ VN là một bài toán không đơn giản cho các nhà quản lý.
Điều này cũng dễ hiểu bởi việc dịch chuyển một tỉ lệ phần trăm rất nhỏ trong đề xuất tăng lương tối thiểu vùng sẽ tác động không nhỏ tới số lượng 15-16 triệu lao động làm công ăn lương chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Đồng thời, việc điều chỉnh cũng đòi hỏi hơn 400.000 doanh nghiệp sẽ phải chi 1 khoản kinh phí khổng lồ từ việc tăng lương này, gồm: Tăng mức lương tối thiểu, tăng khoản đóng BHXH, BHYT…
Đứng ở góc độ khách quan, nhiều chuyên gia cũng có những phân tích và dự đoán riêng.
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: “Mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 10% đến 12% là hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh lộ trình thực hiện mức tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2018”.
Còn bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) - dự đoán mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 10-11%. Giải thích về dự đoán cá nhân này, bà Tống Thị Minh cho rằng: “Mức điều chỉnh này vừa đáp ứng một phần mức sống tối thiểu của người lao động, đặc biệt là lao động yếu thế được chia sẻ những thành tựu chung của nền kinh tế.
Đồng thời việc tăng lương cũng phải phù hợp với bối cảnh chung của nền kinh tế, tương quan với sự phát triển của doanh nghiệp, vấn đề đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia”.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, người (theo nguyên tắc) sẽ “bấm nút” chọn phương án tăng lương tối vùng năm 2016 cuối cùng nếu các bên không có đồng thuận lại chưa đưa ra mức dự đoán cụ thể.
“Có thể sau dịp nghỉ Quốc khánh 2/9, các bên sẽ suy nghĩ và đề ra mức tăng hợp lý và hài hòa hơn. Khi đó việc điều chỉnh sẽ còn nhiều thay đổi theo thực tế” - ông Phạm Minh Huân nói.
“Từ 1/1/2016, một số chính sách mới có hiệu lực, quy định về xây dựng thang lương, bảng lương trong các doanh nghiệp Nhà nước, đóng - hưởng bảo BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn sẽ có hiệu lực. Chỉ tính riêng chi phí đóng BHYT, BHXH, phí công đoàn trên làm tăng chi phí lao động của doanh nghiệp lên 15-17% (tương ứng với 1,2-1,5% tổng chi phí của doanh nghiệp) do mức lương tham gia BHXH, BHYT hiện tại ở các chỉ bằng 60-70% tiền lương của người lao động. Đây là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp trong năm 2016”- bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết.
Hoàng Mạnh
TIN LIÊN QUAN:
Phạt Công ty Vietcom 212, 5 triệu đồng, dừng dịch vụ 3 tháng vì vi phạm quy định tuyển LĐ
Bộ LĐ-TB&XH vừa ra quyết định tạm dừng hoạt động 3 tháng, xử phạt hành chính mức 212,5 triệu đồng với Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom sau những sai phạm liên quan tới dịch vụ đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Cụ thể, Quyết định xử phạt số 69/QĐ-XPHC của Cục Quản lý lao động ghi rõ: “Phạt 212,5 triệu đồng công ty Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom vì 3 lý do: Lợi dụng hoạt động đưa người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài để tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của 150 lao động đi làm việc tại Nhật Bản; Không trực tiếp tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật Bản; Không báo cáo việc thành lập Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (cơ sở 2) tại TP HCM”. Cục quản lý lao động ngoài nước yêu cầu Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và Thương mại Vietcom hoàn trả cho người lao động các khoản đã thu trái quy định, có trách nhiệm thu hồi để hoàn trả cho người lao động toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân hợp tác với Công ty đã thu không đúng quy định trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
A.B
Tạo việc làm cho lao động sau cai nghiện
Trung Tâm DVVL Hà Nội và Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số 1 (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) mới tổ chức Hội nghị tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên đang điều trị và sau cai.
Gần 80 học viên của Trung tâm đã được tiếp cận với các thông tin về lao động việc làm và học nghề. Nhiều trao đổi bổ ích đã diễn ra giữa lãnh đạo Trung tâm và các doanh nghiệp. Qua đó trung tâm có thêm kinh nghiệm tiếp cận với vấn đề dạy nghề và bố trí việc làm cho học viên sau cai. Tại Hội nghị, TT DVVL Hà Nội đã giới thiệu cho các học viên các thông tin cơ bản về thông tin thị trường lao động tại thời điểm hiện tại, sơ lược về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chính sách vay vốn của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách dành cho các hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương…Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, nhấn mạnh, các Trung tâm cần tổng hợp nhu cầu, nguyện vọng của các học viên, qua đó có phương hướng tư vấn cụ thể, giúp họ tìm được việc làm, học nghề phù hợp sau khi trở lại với cộng đồng…
N.L