Lương tối thiểu: Chưa thống nhất vì “vênh” mức đề xuất tăng

(Dân trí) - Cuộc họp của Hội đồng tiền Lương Quốc gia sáng 25/8 chưa chốt được đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Lý do bởi mỗi bên đều vẫn giữa quan điểm riêng và chưa tìm được tiếng nói chung. Cuộc họp tới đây sẽ diễn ra vào ngày 3/9.

Cuộc họp Hội đồng tiền lương Quốc gia sáng 25/8.
Cuộc họp Hội đồng tiền lương Quốc gia sáng 25/8.

Cuộc Họp Hội đồng tiền lương Quốc gia gồm đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), Tổng LĐLĐ VN để thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.

“Nên đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu”. Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI: Chúng tôi bảo vệ quan điểm 10 % của mình. Chúng tôi đã phân tích thấu đáo để đi tới quan điểm chung nhưng thực sự là khó khăn. Mỗi bên đưa ra quan điểm đều có luận cứ khoa học của mình. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là phải đặt lợi ích người lao động, lợi ích chủ doanh nghiệp dưới lợi ích quốc gia.

Bởi lẽ, chúng ta phải tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Đất nước phải có 1 đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh đảm bảo phát triển bền vững và đó mới đảm bảo việc tăng lương tối thiểu.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.

Với mức tăng năng suất lao động 3 % và mức trượt giá đồng tiền từ 1-3 %, VCCI đề xuất mức tăng 10 % lương tối thiểu vùng năm 2016.

Theo lộ trình, việc tính lương theo tổng thu nhập từ năm 2018 là một gánh nặng đối với doanh nghiệp, nhưng đã là luật thì phải tổ chức thực hiện.

Thực tế nếu chúng ta tăng lương lên 10 %, doanh nghiệp đã phải chi trả thực tế tới mức 17-18 % rồi. Bởi vì từ 1/1/12016, doanh nghiệp đã phải từng bước đóng BHXH theo tổng thu nhập chứ không đơn thuần mức lương.

Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải đóng thêm từ 30-45 % so với mức đóng của năm 2015. Bởi vì tất cả các chi phí bảo hiểm, công đoàn, thai sản , công tác nữ …doanh nghiệp thay mặt người lao động để đóng. Doanh nghiệp đang phải "gồng mình" lên để trụ vững.

Thời điểm hiện nay tới năm 2018 rất nhạy cảm. VN sắp gia nhập nhiều Hiệp định, chính sách mới. Chúng ta phải có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu và nguồn chi. Cần sự cảm thông tới người lao động, tăng lương là chính đáng, nhưng năng lực chi trả còn hạn chế. Bởi vậy, chúng tôi rất cần sự cảm thông từ phía người lao động.

“Nếu phiên họp này không được, cá nhân tôi nghĩ phải đàm phán tiếp, hoặc dừng cuộc họp” - Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ VN): Tổng LĐLĐ VN đã kiên trì đề xuất hội đồng tiền lương 16,5%, nếu phiên họp này không được, cá nhân tôi nghĩ phải đàm phán tiếp, hoặc dừng cuộc họp.

Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN)
Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN)

Nếu VCCI nâng lên, chúng tôi có thể xem xét lại. Tình hình thế này, VCCI đề xuất 9- 10%. Chúng tôi thấy tình hình công nhân lao động rất khó khăn, thậm chí rơi nước mắt.

Theo LĐLĐ Hà Nội, chỗ ở của người lao động rất khó khăn tại KCN Bắc Thăng Long. Đây là câu chuyện nói lên tình cảnh của người lao động, càng nói ra càng bức xúc.

Bên VCCI đã bày tỏ thái độ, đến thời điểm này 2 bên cách xa nhau gần 10%, bên kia đề xuất tối đa 10%, Tổng LĐLĐ VN đề xuất 16,5%.

Cá nhân tôi suy nghĩ có thể sẽ phải để hai bên tiếp tục thương lượng, nếu không được thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ quyết định.

“Muốn tăng năng suất phải tăng tiền lương tối thiểu” - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho biết, Tổng LĐLĐ VN vẫn bảo lưu mức 350.000-550.000 đồng. Nếu phương án cuối cùng, tình hình kinh tế khá hơn, không được thấp hơn tỷ lệ phần trăm của năm 2015, tức là 14,65%, ở mức trên 450.000 đồng. Mức tuyệt đối bằng 400.000 đồng.

Ông Mai Đức Chính  - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN.
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN.

Nếu chủ lao động cắt xén của người làm công thì bạn hàng sẽ cắt xén của chủ lao động. Như vậy cái gì thiệt hơn? Rõ ràng cắt xén bạn hàng thiệt hơn cắt xén tiền công. Muốn có năng suất thì phải giải quyết được tiền lương cho NLĐ.

Đề xuất của Tổng LĐLĐ VN đã tính toán kỹ lưỡng từ lý luận đến tuân thủ pháp luật. Cụ thể, có 4 yếu tố cần cân nhắc. Chúng ta phải thực hiện theo đúng Điều 91 của Bộ luật Lao động, điều này phải được áp dụng ngay từ khi Luật có hiệu lực, từ ngày 1/1/2013.

Tuy nhiên, chúng ta áp dụng ngay doanh nghiệp sẽ khó khăn. Vì vậy, Tổng LĐLĐ VN đồng ý cần theo lộ trình. Nhưng lộ trình đó không phải là lâu dài mà phải có thời điểm nhất định. Trước đây Bộ LĐ-TB&XH đã thống nhất với Tổng LĐLĐ VN, lộ trình đó sẽ kết thúc vào năm 2017.

Hiện nay, mức lương tối thiểu đạt khoảng 74-75% nhu cầu sống tối thiểu. Như vậy 2 năm còn lại chúng ta phải đảm bảo từ 25- 26%, mỗi năm phải tăng từ 12-13%, cộng thêm CPI khoảng 5%, như vậy tăng năm nay khoảng 17%.

Chúng tôi đã tính toán khả năng chi trả của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp đã trả mức lương từ 4.400.000 đồng ở Hà Nội và TP HCM khoảng 4,9 triệu, cũng có rất nhiều doanh nghiệp trả 5.00.000 đồng hoặc hơn. Như vậy khả năng doanh nghiệp chấp nhận trả được rồi.

Tôi nghĩ rằng chúng ta phải điều chỉnh từng bước để tiếp cận đến 1/1/2018 khi chúng ta thực hiện tiền lương gần như thu nhập thì DN đỡ “sốc”. Giờ chúng ta cứ điều chỉnh “nhỏ giọt” thì đến năm 2018 khoảng cách sẽ rất lớn, sức ép cho DN.

Hoàng Mạnh (ghi)