Liều cắm sổ đỏ nuôi con "trơn tuột", cặp vợ chồng 9x nhận kết đẹp
(Dân trí) - Làm nhà xong còn nợ nhưng vợ chồng chị Bảy vẫn quyết tâm cắm sổ đỏ, vay 200 triệu đồng nuôi lươn. Với kinh nghiệm học hỏi và sự tỉ mỉ trong nghề, chị Bảy đã thành công ngay từ vụ đầu tiên.
Gian nan khởi nghiệp
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), anh Phạm Ngọc Tú (1993) và Lê Thị Bảy (SN 1993) đến với nhau chỉ với đôi bàn tay trắng. Anh Tú làm công nhân lái máy công trình, còn chị Bảy thì chỉ quanh quẩn ở nhà với công việc chăn nuôi, đồng áng.
Với khao khát làm giàu và nhiệt huyết tuổi trẻ, chị Lê Thị Bảy luôn muốn tìm con đường khởi nghiệp riêng, trong đó hoạt động chăn nuôi là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng việc lựa chọn mô hình và nguồn vốn đầu tư luôn là bài toán khó đối với đôi vợ chồng trẻ.
Vào đầu năm 2019, qua ti vi, chị Bảy biết đến mô hình nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao của người dân các tỉnh phía Nam. Cũng từ đó, chị nảy ra ý định sẽ tìm hiểu, chọn con "trơn tuột" này để phát triển kinh tế.
"Tôi thấy ở địa phương thì chưa có một mô hình nuôi lươn nào. Trong khi đó, giá lươn thương phẩm lại khá cao. Tôi mới nảy ra ý định tìm hiểu và nuôi con lươn này. Tôi cũng đã lên youtube, đọc báo để học hỏi, tìm hiểu kỹ rồi mới bàn với chồng để đưa con lươn về nhà", chị Bảy kể lại.
Để có thể nuôi lươn, chị Bảy và chồng quyết định thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng số tiền 200 triệu đồng xây dựng hồ nuôi, mua lươn giống và lắp đặt hệ thống nước sạch. Khác với cách nuôi lươn truyền thống trong ao bùn, chị Bảy đã tìm hiểu và lựa chọn nuôi lươn trong bể nổi xi măng.
"Lúc bảo vay tiền nuôi lươn, ông bà nội ngoại phản đối kịch liệt, sợ vợ chồng tôi thất bại, rồi mang số nợ lớn, thế nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Với những gì học hỏi được, tôi tin tưởng mình sẽ thành công và đến hiện tại thì thực sự đó là lựa chọn đúng đắn", chị Bảy cho biết thêm.
Để nuôi lươn, vợ chồng chị Bảy đã xây dựng 8 hồ nuôi, tìm nguồn lươn giống từ Đồng Nai rồi thả 10 ngàn con trong vụ đầu tiên vào tháng 6/2020. Những ngày đầu nuôi lươn, vợ chồng chị Bảy cũng vô cùng lo lắng, chỉ sợ lươn không quen môi trường, rồi bị bệnh chết. Cả ngày, chị Bảy cứ xoay quanh hồ nuôi, quan sát, để ý từng chút một để kịp thời xử lý nếu phát hiện bất thường với đàn lươn mà mình đang nuôi.
Thành công ngoài mong đợi
Nhờ kinh nghiệm học hỏi được và công sức đầu tư, lươn của chị Bảy khỏe mạnh và phát triển nhanh, sau một năm, có những cá thể lươn đạt đến 0,5 kg. Ngay trong vụ đầu tiên, đôi vợ chồng trẻ đã xuất bán được trên một tấn lươn thương phẩm, thu về gần 200 triệu đồng. Toàn bộ số lươn đều được thương lái thu mua tận nơi.
Thành công ngay từ vụ đầu tiên, lại có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi lươn, vợ chồng chị Bảy nhập thêm 15 ngàn con giống mới tiếp tục nuôi. Theo chị Bảy, nuôi lươn không mất nhiều công sức nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ, nhất là nuôi trong bể xi măng. Việc nuôi trong bể xi măng sẽ dễ dàng thay nước, hạn chế bệnh và kiểm soát tốt sự phát triển của đàn lươn.
Với các bể nuôi lươn hiện tại, mỗi ngày chị Bảy phải thay nước 4 lần, cho lươn ăn mỗi ngày 2 lần, thức ăn phải đảm bảo các điều kiện để lươn không bị bệnh, mùa lạnh thì phải dùng bóng sưởi để đảm bảo độ ấm cho lươn, nếu không lươn sẽ chết. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần phải tách đàn, phân loại để lươn sinh trưởng đều.
"Nhiều người sợ không dám chạm vào con lươn, còn mình thì quen rồi. Thực sự mà nói, chăm lươn như chăm trẻ nhỏ vậy nhưng nếu biết cách nuôi thì không có gì khó khăn cả. Hơn nữa việc tiêu thụ lươn hiện nay rất dễ, giá lại cao nên đầu ra không phải là vấn đề lo lắng. Qua vụ đầu, tôi thấy nuôi lươn khỏe mà lợi nhuận cao hơn nhiều so với nuôi lợn hay trâu bò", chị Bảy chia sẻ.
Sau vụ lươn đầu tiên thành công, đàn lươn mới cũng đang phát triển đều, vợ chồng chị Bảy có ý định sẽ mở rộng hồ nuôi, gây giống lươn để cung cấp cho người dân. Bên cạnh đó, chị Bảy cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, mở hợp tác xã để phối hợp với bà con trong vùng nuôi lươn, phát triển kinh tế.
Nói về mô hình nuôi lươn của gia đình chị Lê Thị Bảy, ông Trương Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Phú cũng cho biết, đây là mô hình được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với những kết quả mà vợ chồng chị Bảy có được, xã Quảng Phú cũng như huyện Quảng Trạch đã đến khảo sát, có phương án hỗ trợ để mở rộng quy mô, góp phần tạo ra những mô hình chăn nuôi mới cho người dân địa phương.