Vĩnh Long:

Cú "bẻ lái" ngoạn mục của cô gái học nhạc chuyển sang nuôi lươn không bùn

(Dân trí) - Cô gái trẻ quê Vĩnh Long lên TPHCM học cao đẳng sau đó "lội" ngược về Cần Thơ học guitar nhưng lại về nhà nuôi lươn và nay có thu nhập khiến nhiều người mơ ước.

Cú bẻ lái ngoạn mục của cô gái học nhạc chuyển sang nuôi lươn không bùn - 1

Chung Mỹ Phương bên bể lươn sạch của mình (Ảnh: Quốc An).

Cô gái Chung Mỹ Phương ở xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đang có thu nhập khoảng nửa tỷ đồng/năm nhờ nuôi lươn sạch không bùn.

Trò chuyện với phóng viên Dân trí, cô gái 24 tuổi này cho biết: "Học xong cấp 3, Phương lên TPHCM học cao đẳng nhưng được một thời gian ngắn thì nghỉ học đi làm thuê do kinh tế gia đình khó khăn".

Trong khoảng thời gian đi làm, Phương tích cóp được một khoản tiền và lại "lội" ngược về Cần Thơ học guitar để thi vào trường Cao đẳng nghệ thuật ở Cần Thơ.

Tuy nhiên, trong thời gian ở Cần Thơ, Phương vô tình đọc được tài liệu nói về con lươn. Cô gái trẻ càng đọc càng say mê và càng thấy thích thú. Từ đó, ý tưởng nuôi lươn sạch luôn được Phương ấp ủ.

Cú bẻ lái ngoạn mục của cô gái học nhạc chuyển sang nuôi lươn không bùn - 2

Phương cho biết nước trong bể nuôi phải được xử lý qua dàn lọc và mỗi ngày phải thay 2 lần để đảm bảo vệ sinh (Ảnh: Quốc An).

Đầu năm 2018, sau khi tìm hiểu được một số kiến thức nhất định về kỹ thuật nuôi lươn, Phương bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi lươn sạch tại quê nhà với vốn ban đầu là 30 triệu đồng, nuôi 4.000 con lươn trên diện tích vỏn vẹn 12 m2.

"Ở vụ đầu, nuôi lươn thương phẩm nhưng không đạt hiệu quả. Đến vụ thứ 2, em thu hồi chỉ được phân nửa số vốn ban đầu nhưng em không nản chí và đợt thứ 3 thì đạt kết quả cao hơn", Phương kể.

Nói về quy trình nuôi lươn, Phương cho biết: "Khi nuôi lươn không bùn, việc đầu tiên là chọn con giống tốt, khỏe. Rồi khi đem giống về nuôi phải tập cho lươn quen dần với môi trường nhân tạo. Bể nuôi phải được xử lý qua dàn lọc và mỗi ngày phải thay 2 lần để đảm bảo vệ sinh.

Ngoài ra, cần pha thuốc chống sốc, trị bệnh đường ruột và điều cần nhất là thức ăn để lươn có sức đề kháng tốt. Vì vậy, Phương đã nuôi thêm trùn quế cho lươn ăn để đảm bảo dinh dưỡng, giai đoạn sau thì cho ăn thức ăn công nghiệp.

Từ 12m2 đất đến nay, diện tích nuôi lươn bố mẹ và lươn thương phẩm của Phương lên đến 2.000 m2. Đối với lươn bố mẹ thì lót bạt phủ rồi để đất thả chúng vào, riêng lươn thương phẩm được nuôi trong bể bằng gạch men.

Phương cũng cho biết, từ lươn giống đến khi lươn đạt trọng lượng khoảng 2-3 con/kg là có thể xuất bán. Trung bình khoảng 3- 4 tháng, với diện tích nuôi trên Phương sẽ xuất bán một vụ khoảng 4 tấn lươn thương phẩm và cung cấp từ 200.000-300.000 con giống cho các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

Phương và mô hình khởi nghiệp lươn không bùn.jpeg

Phương là điển hình thanh niên khởi nghiệp của địa phương (Ảnh: NVCC).

"Với 2 khoản thu trên, sau khi trừ chi phí, trung bình em có thu nhập khoảng 400 đến 500 triệu đồng/năm", Phương bật mí.

Theo lời cô gái trẻ, hiện phần lớn lươn thương phẩm của Phương đều bán cho một công ty ở Cần Thơ để họ sơ chế xuất khẩu sang Nhật hoặc bán vào siêu thị.

"Con lươn giờ "ăn vô máu" của em rồi. Nuôi lươn khó hay dễ là do mình. Nếu  nản không bao giờ nuôi được vì khi làm sẽ có trục trặc. Nhưng kiên trì thì nó đáp lại cho thỏa đáng", Phương tâm sự.

Phương cho biết, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chị sẽ liên kết với nhiều hộ trong xã thành lập Hợp tác xã nuôi lươn sạch. Cô sẽ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc… cho xã viên và có đầu ra ổn định.

"Thương lái thường ép giá người nuôi nên khi thành lập hợp tác xã, tôi sẽ đưa lươn thương phẩm vào siêu thị cũng như cung cấp cho các khách hàng khác, như vậy đầu ra sẽ ổn định" - Phương thông tin.