Nông dân Cần Thơ làm giàu từ nuôi lươn giống không bùn

Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn giống được nhiều nông dân TP Cần Thơ lựa chọn làm mô hình kinh tế của gia đình.

Mô hình nuôi lươn giống có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, dễ chăm sóc, lợi nhuận cao.

Tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Khuynh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 5 đã tiên phong thử sức với mô hình nuôi lươn giống không bùn trong bể xi măng.

Nông dân Cần Thơ làm giàu từ nuôi lươn giống không bùn - 1

Ông Nguyễn Văn Khuynh, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ giới thiệu mô hình nuôi lươn giống của gia đình.

Trước đây, ông Khuynh làm ruộng và trồng xoài cát Hòa Lộc. Ông chia sẻ: "Nhiều năm qua, trên 2,5ha đất, tôi làm ruộng và trồng được 120 gốc xoài trên bờ bao. Huê lợi hằng năm chỉ từ 40-50 triệu đồng.

Ðến năm 2018, thấy người cháu ruột nuôi lươn giống thành công, tôi bắt đầu tập tành làm mô hình mới".

Theo ông Khuynh, ban đầu, ông nuôi thử nghiệm 10.000 con lươn giống. Ông cố gắng học theo những mô hình nuôi lươn trước, đọc thêm sách báo để ứng dụng vào mô hình của gia đình. 

Vụ lươn giống đầu tiên, ông thu lời hơn 14 triệu đồng chỉ sau 2 tháng nuôi. Thành công này giúp ông thêm mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình nuôi lươn giống.

Tận dụng diện tích sân nhà, ông Khuynh xây 4 bồn bê tông, với diện tích 8-9m2/bồn. Mỗi bồn, ông thả nuôi khoảng 25.000 con lươn giống. 

Tính từ giai đoạn mới bắt lươn bột về nuôi đến lúc lươn giống đạt từ 600-1.000 con/ký là có thể bán, chỉ mất thời gian khoảng 1 tháng 20 ngày. Hiện nay, giá lươn giống được thương lái thu mua tận nhà, với giá trên 6.000 đồng/con.

Dù chỉ mới nuôi lươn giống trong 2 năm, nhưng mô hình của ông Khuynh đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Mỗi năm, ông nuôi 4 đợt lươn giống, thu lời khoảng 100 triệu đồng/đợt. 

Ông Khuynh bộc bạch: "Mô hình nuôi lươn giống trong bể xi măng theo dạng không bùn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, do không đòi hỏi diện tích lớn, người nuôi lươn có thể tận dụng đất xung quanh nhà để nuôi. Vốn đầu tư cho mô hình cũng không quá cao".  

Tuy nhiên, so với nuôi lươn thịt, nuôi lươn giống đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Theo ông Khuynh, để việc nuôi lươn giống mang lại hiệu quả, đạt chất lượng, người nuôi cần phải chọn lươn bột tốt và vệ sinh bồn thật kỹ trước khi thả lươn vào nuôi. 

Trong quá trình nuôi lươn phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để cho ăn, chăm sóc phù hợp. Ông Khuynh chỉ cho lươn ăn bằng trùn chỉ. Khoảng từ 5-10 ngày, ông lại trộn men tiêu hóa cho lươn ăn. Ðối với lươn 25 ngày tuổi, có thể cho ăn 3 ký trùn chỉ/bồn/ngày.

Ông Khuynh cho biết thêm, trong quá trình nuôi lươn giống, cần chú ý thay nước sau khi cho ăn để làm sạch nguồn nước, lươn ít bị bệnh. 

Mực nước bể nuôi lươn giống chỉ cần 1-1,5 tấc trở lại. Mỗi ngày thay nước 2 lần. Ðặc biệt, khi thay nước phải thực hiện nhẹ nhàng, tránh tháo cạn kiệt nước, làm cho lươn bị "sốc", sẽ giảm được tỷ lệ hao hụt. 

Ðợt nuôi lươn giống vừa qua, do áp dụng đúng kỹ thuật, lươn giống của ông nuôi hoàn toàn không bị hao hụt. Với số lượng 37.000 con đạt loại 872 con/ký, ông bán với giá 4.600 đồng/con, thu nhập gần 170 triệu đồng.

Chỉ cho chúng tôi xem bồn lươn thịt đang được nuôi thử nghiệm, ông Khuynh cho biết, sắp tới, ông sẽ tiếp tục mở rộng mô hình và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn giống cho bà con nông dân. Với đặc trưng mô hình nuôi lươn giống không tốn nhiều chi phí đầu tư, dễ chăm sóc, ông tin tưởng rằng mô hình này sẽ giúp bà con cùng nhau vươn lên làm ăn khấm khá.