Thanh Hóa:
Lão nông nuôi ong lấy mật, "bỏ túi" 200 triệu đồng mỗi năm
(Dân trí) - Tận dụng đất vườn rộng và nhiều loại hoa, ông Lê Thọ Cuốn (Thanh Hóa) đã phát triển nghề nuôi ong suốt 40 năm qua. Với hơn 50 đàn ong, mỗi năm, lão nông này "bỏ túi" khoảng 200 triệu đồng.
Nuôi ong "một vốn bốn lời"
Ông Lê Thọ Cuốn (SN 1954, thôn Thống Nhất 1, xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân) được nhiều người biết đến với 40 kinh nghiệm trong nghề nuôi ong lấy mật ở huyện miền núi Thường Xuân, Thanh Hóa.
Lớn lên từ mảnh đất miền núi nghèo khó, ông Cuốn đã tìm cách mưu sinh bằng nghề thuần ong rừng ngay từ khi còn trẻ. Gia đình ông có hơn 50 đàn ong, đặt ở nhiều khu vườn khác nhau.
Những năm mới bắt đầu nuôi ong, ông Cuốn chỉ nuôi vài đàn, sau đó ông phát hiện khí hậu lẫn địa hình của huyện miền núi Thường Xuân - nơi ông ở - rất thích hợp để nuôi ong. Mỗi năm, ông Cuốn lại nâng dần số đàn lên.
Theo kinh nghiệm của ông Cuốn, việc tăng đàn rất quan trọng. Ngoài yêu cầu thoáng, mát thì nếu không điều chỉnh được đàn hay không chú ý tới chất lượng đàn thì ong sẽ bỏ về rừng.
Bởi thế, hàng năm vào mùa hoa, ông chú trọng việc tạo ong chúa, sau đó thì tiến hành chia đàn. Bên cạnh đó, ông còn dành thời gian quan sát, làm vệ sinh thường xuyên, không để kiến, gián và các loại ong khác leo lên thùng ong.
"Nghề nuôi ong chi phí bỏ ra ban đầu rất thấp, không cần đầu tư nhiều vốn và công sức mà chỉ cần nắm được kỹ thuật, tập tính con ong để chăm sóc, quản lý, nhất là đối với việc phân tách đàn mỗi khi đàn ong quá đông. Chỉ cần một diện tích đất vừa phải để đặt tổ, và nắm được kiến thức, kỹ thuật nuôi, thì ai cũng có thể khá lên từ nghề này, có thể nói nuôi ong "một vốn bốn lời", ông Cuốn chia sẻ.
Muốn có được năng suất mật lớn, người nuôi ong phải di chuyển đàn ong, đến nơi có nguồn hoa mới để chúng có nguyên liệu làm mật quanh năm.
"Bỏ túi" 200 triệu mỗi năm
Ông Cuốn cho biết, mùa thu hoạch mật ong thường vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 6. Đây là khoảng thời gian mật ong dồi dào nhất trong năm. Tuy nhiên, việc lấy mật cũng tùy thuộc vào nguồn hoa, khi nào kiểm tra thấy cầu ong có mật đầy, thì người nuôi ong sẽ tiến hành thu hoạch.
Mỗi đợt thu hoạch sẽ cách nhau từ 10 đến 15 ngày. Qua tháng 6, người thu mật nghỉ khai thác để tách và nhân giống đàn ong.
Với 50 đàn ong, mỗi năm, gia đình ông Cuốn thu hoạch hơn 1 tấn mật ong. Với giá bán ra thị trường từ 250 - 300 nghìn đồng/lít, lão nông này thu về trên 200 triệu đồng/năm.
Ngoài nuôi ong lấy mật, ông Cuốn còn bán giống ong cho ai có nhu cầu. Thu nhập ổn định từ nghề nuôi ong nhiều năm qua, đã giúp kinh tế gia đình ông khá giả.
"Công việc nuôi ong cũng không phải vất vả chân tay nhiều, chỉ phải dành nhiều thời gian quan tâm đến chúng", ông Cuốn nói.
Được biết, nghề nuôi ong ở huyện Thường Xuân đang ngày càng phát triển với hàng trăm hộ nuôi ong. Địa phương này cũng đang từng bước xây dựng sản phẩm mật ong của nông dân huyện Thường Xuân.
Thấy mô hình nuôi ong lấy mật của ông Lê Thọ Cuốn hiệu quả, thời gian qua đã có rất nhiều gia đình ở khắp các xã lân cận trên địa bàn đến xin học hỏi kinh nghiệm. Nhiều người ở xa còn ăn ở lại nhà ông Cuốn cả tuần để xin được chuyển giao kỹ thuật nuôi ong. Không những vậy, lão nông này còn đến tận nơi để làm cầu ong, nhân giống giúp họ.