Thanh Hóa:

Bị nợ tiền đóng BHXH và lương, người lao động phải cầu cứu Chủ tịch tỉnh

Bình Minh

(Dân trí) - Đã 12 tháng qua, gần 100 lao động làm việc tại Ban GPMB&TĐC TP Thanh Hóa bị chậm trả lương, nợ đóng BHXH. Cực chẳng đã, người lao động phải cầu cứu đến Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Nợ lương, BHXH...khoảng 5 tỷ đồng

Theo ghi nhận của PV, gần 100 cán bộ, nhân viên, lao động hợp đồng làm việc tại Ban giải phóng mặt bằng và tái định cư (GPMB&TĐC) TP Thanh Hóa chưa nhận được lương, chi trả bảo hiểm cùng các chế độ phúc lợi khác trong khoảng 1 năm nay.

Không chỉ người lao động đang công tác mà ngay cả cán bộ hưu trí của Ban GPMB&TĐC này cũng trong tình cảnh tương tự.

Cũng theo người lao động làm việc tại đơn vị này, việc chậm chi trả lương khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, có người làm việc nhiều năm ở đây đã tính thôi việc.

Bị nợ tiền đóng BHXH và lương, người lao động phải cầu cứu Chủ tịch tỉnh - 1

Trung tâm hành chính TP Thanh Hóa -nơi Ban Giải phóng mặt bằng và Tái định cư TP đặt văn phòng.

Ông Đ.H.T, nguyên là lãnh đạo của Ban này cùng 2 cán bộ khác đã nghỉ hưu từ tháng 7/2020 nhưng đến nay đã hơn nửa năm trôi qua, vẫn chưa được nhận sổ hưu với lý do cơ quan không có tiền đóng BHXH.

"Mặc dù khối lượng công việc nhiều nhưng cả năm chúng tôi không được chi trả một đồng lương nào, chế độ phúc lợi cũng không khiến cuộc sống khó khăn vô cùng. Chúng tôi đã làm đơn kêu cứu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa với mong muốn sớm tìm ra giải pháp để anh em yên tâm làm việc và cống hiến" - một cán bộ đang làm việc tại Ban chia sẻ.

Theo tìm hiểu, tình trạng nợ lương, bảo hiểm, phúc lợi khác tại Ban giải phóng mặt bằng TP. Thanh Hóa kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, cụ thể: Ban này đã chi trả lương cho người lao động được 3 tháng trong năm 2020 (tháng 1, tháng 2 và tháng 11 năm 2020).

Hiện nay, số tiền nợ (lương, bảo hiểm, công đoàn…) của Ban giải phóng mặt bằng ước tính khoảng 5 tỷ đồng. Trong đó, số nợ đọng bảo hiểm xã hội của cán bộ, nhân viên, người lao động cơ quan chưa giải quyết khoảng 700 triệu đồng.

Trong khi đó, dự toán chi của Ban giải phóng mặt bằng cho năm 2020 là hơn 15,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng thu chỉ được 3,4 tỷ đồng. Số tiền thu được chủ yếu chi lương cho 3 tháng đầu năm 2020 (hơn 1,4 tỷ đồng). Tính trung bình 1 tháng cơ quan này chi lương, bảo hiểm hơn 500 triệu đồng.

Được biết, Ban GPMB&TĐC TP Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc sự quản lý của UBND TP. Thanh Hóa, tự chủ về mặt tài chính trong quá trình hoạt động. Nguồn thu chủ yếu được trích từ kinh phí của dự án theo quy định mà đơn vị này tham gia giải phóng mặt bằng.

Phó Giám đốc đương nhiệm cũng bị nợ lương

Do khó khăn về tài chính, nhiều dịch vụ phục vụ cho hoạt động chuyên môn như chi sửa chữa máy móc, thiết bị tài sản, chi phí xăng dầu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, văn phòng phẩm tài liệu... cũng bị đình trệ.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Ban GPMB&TĐC TP Thanh Hóa thừa nhận, việc đơn vị này nợ lương và các chế độ phúc lợi khác của cán bộ, nhân viên là đúng thực tế.

"Ban là đơn vị tự chủ 100%, vì thế lương, thưởng và các chế độ khác phụ thuộc hết vào công tác GPMB. Tuy nhiên, trong năm qua do ảnh hưởng của Covid-19, công việc gặp rất nhiều khó khăn nên việc GPMB đạt tỉ lệ thấp, không đủ để trang trải và chi thường xuyên"- ông Thành nói.

Thậm chí, ông Thành và 12 công chức, viên chức cũng đang bị nợ lương chứ không riêng gì những cán bộ hợp đồng lao động với đơn vị.

"Chúng tôi cũng có xin ý kiến UBND TP Thanh Hóa hỗ trợ khắc phục khó khăn, thế nhưng không được. Các dự án cần GPMB tại thành phố hiện rất khó khăn, toàn những chỗ khó giải phóng"- Phó giám đốc Ban GPMB&TĐC TP Thanh Hóa cho biết thêm.

Liên quan đến sự việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa giải quyết theo quy định về việc tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại Ban GPMB&TĐC TP Thanh Hóa bị nợ lương, tiền BHXH đã một năm qua. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/5.