Hà Tĩnh:
Lão nông mỗi năm "bắt đồng hoang đẻ" tiền tỷ
(Dân trí) - Khi ông Bàng thuê hơn 8 ha đất hoang làm kinh tế, ai cũng nghĩ "cuộc chơi" sẽ không dài. Nhưng với ý chí không ngại khó khăn, sau nhiều năm, không ít người ngỡ ngàng trước thành quả ông giành được.
Từ cậu bé chăn vịt...
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi đã tới thăm trang trại của ông Lê Văn Bàng, 58 tuổi, trú tại xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Ông là 1/63 nông dân vinh dự nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
Bố mẹ làm nghề nuôi vịt, nên từ nhỏ ông đã đi chăn vịt chạy đồng. Sau khi lập gia đình vào 1987, vợ chồng ông tiếp tục chọn con vịt để khởi nghiệp.
Do gắn bó với con vịt từ nhỏ, nên ông Bàng đã "dắt lưng" được khá nhiều kinh nghiệm về nuôi loài gia cầm này. Chính vì vậy, sau 5 năm, đàn vịt tăng lên đến 10.000 con. Ngoài thu nhập từ vịt thương phẩm, trang trại còn ấp trứng bán vịt con và trứng vịt lộn nên lợi nhuận khá cao.
Năm 1995-1997 là thời kỳ hoàng kim khi thương hiệu "vịt ông Bàng" trở nên nổi tiếng, cung cấp phần lớn giống vịt con cho thị trường 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngôi nhà 2 tầng khang trang được xây cất vào đầu năm 2000 là minh chứng rõ nét cho quá trình "ăn nên làm ra" của người đàn ông được mệnh danh là "Bàng vịt".
Thế nhưng, đến năm 2004, đàn vịt thả đồng gần 10.000 con của ông Lê Văn Bàng mắc bệnh cúm H5N1 rồi chết sạch. Tài sản gom góp bao năm của gia đình ông gần như bị mất trắng.
"Thời kỳ ấy, chưa có kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh này nên toàn bộ đàn vịt đã bị chết sạch. Hai vợ chồng tôi cũng gần như trắng tay", ông Bàng nhớ lại.
... đến nông dân tiêu biểu
Dù thất bại, nhưng không thể làm ông ngã gục, với ý chí phải làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình, sau nhiều tháng suy nghĩ, bàn bạc với vợ cuối năm 2004, ông Bàng mạnh dạn đặt vấn đề với chính quyền để thuê 8,2 ha đất tại thôn Cường Thịnh, xã Xuân Liên tiếp tục nuôi vịt.
"Lúc ấy ai cũng ngại tôi không làm được, sẽ thất bại nhanh chóng. Bởi vì cả khu đất này đều là bãi cát, vùng đất trũng hoang vu", ông Bàng chia sẻ.
Bỏ ngoài tai những lời không hay ấy, sau khi đã được chính quyền đồng ý cho thuê đất, vợ chồng ông Bàng đã bắt tay thực hiện kế hoạch của mình. Ông sử dụng một phần diện tích đất thuê để tiếp tục nuôi vịt. Nhờ đã có kinh nghiệm nên đàn vịt không ngừng tăng trưởng, từ vài trăm con tăng dần lên hơn 6.000 con vịt đẻ sau vài năm.
"Trong kế hoạch của tôi không chỉ nuôi mỗi vịt đâu, nhưng vì điều kiện kinh tế, vốn gặp nhiều khó khăn nên tôi thực hiện từng bước một, lấy ngắn nuôi dài. Lúc ấy mô hình nuôi vịt này cũng đưa về cho gia đình tôi hơn 100 triệu đến vài trăm triệu mỗi năm", ông Bàng.
Ông cũng tận dụng gần 6 ha mặt nước ao để thả các loại cá nước ngọt như: Rô phi, trôi, leo, chép... Phân vịt giúp thủy sinh trong ao phát triển, trở thành thức ăn cho cá. Đàn vịt bơi lội qua lại sẽ cung cấp lượng oxy lớn, giúp cá hô hấp và sinh trưởng tốt.
Hiện, trang trại của ông Bàng có 1.500 con vịt siêu đẻ, ấp lấy trứng vịt lộn bán. Một ngày đàn vịt đẻ 1.200 quả trứng. Liên tục trong 10 tháng, trừ chi phí mỗi năm, ông thu hơn 300 triệu đồng từ bán trứng. Với đàn cá, sản lượng một năm hơn 25 tấn, giá 20.000-25.000 đồng/kg nhập cho thương lái, lợi nhuận 300-400 triệu đồng.
Mô hình nuôi vịt, kết hợp thả cá đã mang lại một nguồn thu khá lớn cho vợ chồng ông Bàng. Tuy nhiên, vẫn chưa bằng lòng, vợ chồng ông tiếp tục đi tìm những mô hình kinh tế mới.
Năm 2011, ông Lê Văn Bàng mạnh dạn vay 3 tỷ đồng để đầu tư nuôi lợn. Ông xây dựng 3 chuồng nuôi lợn thương phẩm liên kết với Công ty CP (Thái Lan) với tổng diện tích 2.100m2, quy mô 1.800 con/lứa, mỗi năm 2 lứa.
Nhờ đầu tư bài bản, lại thường xuyên áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế đạt được khá cao. Sau gần 18 năm vật lộn với cánh đồng hoang, đến nay ông Bàng khá hài lòng với thành quả mà có được. Từ năm 2013 đến nay, mô hình trang trại của ông Bàng bắt đầu cho thu nhập ổn định.
Theo nhẩm tính của ông, doanh thu trung bình từ trang trại mỗi năm đạt trên 4 tỷ đồng. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi năm vợ chồng ông cũng thu về được từ 1,7-2 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Trần Đức Thọ, cán bộ nông nghiệp xã Xuân Liên, liên tục trong nhiều năm, hội viên Lê Văn Bàng là điển hình tiêu biểu xuất sắc trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".
"Ngoài việc phát triển kinh tế, gia đình luôn gương mẫu trong việc thực hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội, kịp thời động viên, ủng hộ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để họ được phát triển sản xuất, hàng năm cùng với địa phương hỗ trợ giúp đỡ cho các hộ nghèo thoát nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn"- ông Khoan cho biết thêm.