Những ngày cận Tết hối hả ở làng nghề "đinh tai nhức óc" cả ngày
(Dân trí) - Hơn 100 năm qua, làng rèn Trung Lương (Hà Tĩnh) vẫn được duy trì, đó cũng là nguồn sống của nhiều hộ dân nơi đây. Dịp cuối năm, làng rèn càng hối hả, đỏ lửa suốt ngày đêm để kịp hàng Tết.
Khoảng 4h sáng, người dân làng rèn Trung Lương (thuộc phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) lại thức dậy nhóm lửa để bắt đầu công việc quen thuộc của mình. Từ xa, cũng có thể nhận diện được làng nghề này, bởi cả một vùng trời rộn ràng tiếng đe, tiếng búa gõ đều nhịp vang giòn…
Càng lại gần thì thứ âm thanh ấy càng dữ dội hơn. Với người ngoài làng thì âm thanh đó khá nhức tai, khó chịu. Nhưng với những người dân làng rèn Trung Lương thứ âm thanh ấy đã quá quen thuộc.
Anh Nguyễn Văn Hậu (45 tuổi, phường Trung Lương) cho biết, làng nghề rèn này có từ thời cha ông để lại. Làng nghề có đủ các mặt hàng như dao, liềm, đinh, lưỡi cày…
"Làng nghề đến nay phải hơn 100 năm rồi, từ thời cha ông để lại và đến nay chúng tôi tiếp tục duy trì. Có hộ thì làm dao, hộ thì làm liềm, làm cuốc", anh Hậu giới thiệu.
Anh Hậu làm nghề rèn từ năm 20 tuổi. Đến khi lập gia đình, vợ chồng anh tiếp tục bám lấy cái nghề này để mưu sinh. Gia đình anh chủ yếu làm dao.
Mỗi ngày, vợ chồng anh bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ sáng. Nguyên liệu để làm dao chủ yếu là sắt. Để làm nên một sản phẩm hoàn thiện, phải trải qua khá nhiều công đoạn.
Sắt sau khi được cắt thành miếng theo độ dài của từng loại dao, sẽ được nung nóng, sau đó dùng búa đập để tạo hình. Cuối cùng là khâu mài dũa để tạo độ sắc cho con dao. Trung bình, mỗi ngày, vợ chồng anh làm được khoảng 20-30 con dao, với giá bán khoảng 30.000 đồng/dao.
"Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe dẻo dai và chịu được cái nóng của lửa, bụi bặm. Đặc biệt, khói của than đá rất độc nên người thợ thường hay mắc các chứng bệnh về hô hấp. Mùa đông còn dễ chịu chứ mùa hè thì nóng bỏng rát cả mặt", anh Hậu cho biết.
Tuy nhiên, theo anh Hậu, nhờ công việc này mà mỗi tháng một người cũng kiếm được 5-6 triệu đồng. Nhờ đó mà người dân nơi đây có tiền để trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học.
Gia đình ông Bùi Văn Lâm (55 tuổi, phường Trung Lương) là một trong những hộ giữ lửa lâu đời nhất ở làng rèn này. Ông là đời thứ 4 kế nghiệp nghề truyền thống cha ông để lại. Và đến nay, ông đã có hơn 30 năm trong nghề.
"Những sản phẩm được làm từ làng nghề rất được người dùng ưa chuộng nên phần lớn làm ra tiêu thụ hết. Dịp Tết này thì nhu cầu càng lớn hơn, nên chúng tôi phải tranh thủ làm ngày, làm đêm để đủ cung cấp cho thị trường", ông Lâm cho biết.
Cũng theo ông Lâm, để có một sản phẩm tốt thì từ chọn phôi sắt, đến chèn thép vào trong phôi, tôi lửa cho đến mài dũa… người thợ phải thật kiên trì, tỉ mỉ từng chi tiết. Chỉ cần làm ẩu một công đoạn thì chỉ có nước bỏ đi.
"Trước đây các sản phẩm chủ yếu được làm thủ công, nhưng nay nhiều gia đình đã đầu tư máy móc, nên cũng đỡ vất vả hơn. Đồng thời, sản phẩm cũng đảm bảo chất lượng hơn", ông Lâm cho biết thêm.
Ông Nguyễn Công Lộc, Chủ tịch UBND phường Trung Lương cho biết, hiện làng nghề rèn có hơn 100 hộ. Trong đó, có khoảng 30-50 hộ làm thường xuyên, còn lại làm theo thời vụ.
"Hơn 100 năm qua, làng nghề vẫn được duy trì. Công việc tuy vất vả nhưng cũng đem lại một nguồn thu đáng kể cho người dân", ông Nguyễn Công Lộc cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND phường Trung Lương thời gian qua, địa phương cũng đã đưa ra nhiều chính sách khuyến công như: Giúp đỡ trong việc đào tạo nghề, tham quan học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào tổ chức sản xuất… để động viên người dân cố gắng giữ lửa cho nghề truyền thống này.